Vụ việc hai cô gái không xuất trình được CMND khi Công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức kiểm tra hành chính quán cà phê vào chiều ngày 18/9/2017 nên bị đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM đã gây xôn xao dư luận. Thời gian hai cô gái bị giữ tại Trung tâm này lên đến 8 ngày theo diện người vô gia cư bất chấp những nỗ lực của gia đình. Hai cô gái đã bị sa sút cả về thể chất lẫn tinh thần cuối cùng được bảo lãnh thành công vào ngày 27/9.
Lời xin lỗi muộn màng
Chiều ngày 18/9/2017, Nhung và Kiều đang uống cà phê tại M.U tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức thì công an phường đến kiểm tra hành chính quán và những người khách có mặt tại đây. Do hai cô gái không xuất trình được CMND nên bị đưa về trụ sở Công an phường Tam Bình làm việc, phải có gia đình cầm giấy tờ tùy thân lên bảo lãnh mới được về nhà. Trong cùng ngày, bà Nghĩa, mẹ của Nhung đem giấy tờ bao gồm bản gốc sổ hộ khẩu, CMND photo công chứng đến thì nhận được tin cả Nhung và Kiều đều đã bị đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.HCM tại quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, cán bộ trung tâm này cho rằng “chưa đúng thủ tục” và yêu cầu bà về Tiền Giang xin chứng nhận của địa phương; đồng thời, gia đình Kiều ở Đồng Nai. Tới ngày 22/9, giấy tờ tùy thân đã được gia đình chuẩn bị đúng và đầy đủ nhưng đến ngày 27/9 mới được ra khỏi Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Trước sức ép của dư luận, Công an phường Tam Bình tổ chức họp báo xin lỗi hai cô gái và gia đình. Ông Võ Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy phường Tam Bình thừa nhận Công an và Ủy ban nhân dân phường đã có sai sót trong lúc làm nhiệm vụ.
Cách áp dụng pháp luật không thỏa đáng của Công an phường và Trung tâm Bảo trợ xã hội TP.HCM
Theo điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì đối với hành vi: “Không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền” thì sẽ bị “phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng”. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, hai cô gái đã bị xác định là người vô gia cư là chưa thỏa đáng.
Theo khoản 4 Điều 2 Quyết định 29/2017/QĐ-UBND thì:
“Người không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống tại đó và thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định”. Có thể thấy, Công an phường Tam Bình đã có phần vội vàng khi kết luận hai cô gái không có nơi cư trú ổn định khi chưa tiến hành xác minh kỹ càng. Lãnh đạo phường cũng thừa nhận cán bộ đã hiểu sai vì hai cô gái có cho biết quê mình ở Tiền Giang và Đồng Nai. Vấn đề là chưa xác minh được nơi cư trú chứ không phải không có nơi cư trú.
Một vấn đề quan trọng là Trung tâm Bảo trợ xã hội đã không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc xác minh địa chỉ cư trú. Theo Khoản 2 Điều 6 Quyết định 29/2017/QĐ-UBND thì: “sau khi tiếp nhận ban đầu, trong thời gian tối đa 05 ngày, Trung tâm thực hiện ngay việc xác minh địa chỉ cư trú theo địa chỉ do đối tượng cung cấp”. Hơn nữa, khi gia đình hai cô gái đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ thì Trung tâm đã không giải quyết hồi gia. Theo khoản 2 Điều 7 Quyết định 29/2017/QĐ-UBND thì:
“Việc giải quyết hồi gia, hội nhập cộng đồng được thực hiện khi:
– Có người thân trực tiếp đến nơi đang tập trung, quản lý đối tượng tiếp nhận;
– Kết quả xác minh có nơi cư trú ổn định hoặc có người thân có nơi cư trú ổn định và đồng ý tiếp nhận”.
Việc chậm trễ trong giải quyết hồi gia của Trung tâm Bảo trợ xã hội cũng là một dấu hỏi lớn cần được giải đáp thỏa đáng. Để tránh những rắc rối tương tự, người dân nên luôn mang theo CMND khi ra đường hoặc những giấy tờ tùy thân khác cũng như giữ bình tĩnh và hợp tác với cơ quan chức năng nếu không may rơi vào tình huống tương tự.
CÓ THỂ YÊU CẦU ĐƯỢC BỒI THƯỜNG ?
Thời gian hai cô gái bị giữ tại Trung tâm này lên đến 8 ngày theo diện người vô gia cư bất chấp những nỗ lực của gia đình. Hai cô gái đã bị sa sút cả về thể chất lẫn tinh thần cuối cùng được bảo lãnh thành công vào ngày 27/9. Vậy liệu rằng hai cô gái có được bồi thường? và ai sẽ là người có trách nhiệm bồi thường?
Nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường tới cơ quan có trách nhiệm bồi thường
Theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ theo thủ tục khiếu nại, tố cáo. Theo đó,
Khi nhận được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thì người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Hồ sơ yêu cầu bồi thường gồm:
- Đơn yêu cầu bồi thường có các nội dung chính sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu bồi thường;
b) Lý do yêu cầu bồi thường;
c) Thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường.
- Kèm theo đơn yêu cầu bồi thường phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.
Quyết định giải quyết bồi thường phải được gửi cho người bị thiệt hại, cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người thi hành công vụ gây ra thiệt hại sau quá trình thụ lý đơn, xác minh thiệt hại và thương lượng bồi thường.
Trong trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường thì có quyền nộp hồ sơ khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết vấn đề bồi thường hoặc yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Trân trọng./
Investpush Legal