Ly hôn là quyền của công dân được Hiến pháp 2013 ghi nhận tại Điều 36: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn.” . Quyền này được khẳng định lại lần nữa trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014, điều 51: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.”
Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều trường hợp, yêu cầu ly hôn xuất phát từ một phía, phía còn lại thì phản đối, có đôi khi còn phản ứng kịch liệt bằng nhiều thủ đoạn cực đoạn. Tiêu biểu như vụ việc “Chồng dội nước sôi lên người vợ sau khi nói chuyện ly hôn” được báo chí đưa tin gần đây: Mâu thuẫn xảy ra không lâu sau khi cưới, chị Trần Thị V. quyết định ly hôn. Tuy anh Bốn – chồng chị V. – đã đồng ý với điều kiện chị V. phải trả lại quà cưới, nhưng sau đó, anh lại bất ngờ tạt nước sôi lên người chị V. Hành động này, có thể xem như lại phản ứng chống đối với yêu cầu ly hôn từ chị V. của anh Bốn.
Trong thực tế, còn nhiều trường hợp phát sinh “bạo lực” trước khi ly hôn, trong khi ly hôn, hoặc cả sau khi ly hôn bằng những “thủ đoạn” khác nhau như: dùng vũ lực, áp bức bằng tài chính, dùng con để gây sức ép, v.v…
Pháp luật nước ta đã quy định về hậu quả pháp lý sau khi ly hôn gồm: về nhân thân, về tài sản, và quyền, nghĩa vụ đối với con cái. Tuy nhiên, hiện trạng “bạo lực” xảy ra khi ly hôn có thể dẫn tới nhiều hậu quả khác, như trách nhiệm hành chính hoặc nặng hơn là trách nhiệm hình sự.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến phát sinh “bạo lực” khi ly hôn, về chủ quan có, khách quan cũng có. Ở đây chúng tôi chỉ liệt kê một vài nguyên do tiêu biểu.
Đầu tiên phải kể đến là nhận thức về quyền ly hôn.
Như đã nói ở trên, ly hôn là quyền của công dân, cả nam lẫn nữ đều có quyền này. Thực tế, nhiều trường hợp phụ nữ chủ động đòi ly hôn, người đàn ông thì lại không chấp nhận vì không cho rằng phụ nữ có quyền này, và thế là “bạo lực” diễn ra. Điều này đặt ra vấn đề về phổ biến pháp luật cho công dân. Cần tuyên truyền, giáo dục nghiêm túc các quy định của pháp luật, nhất là các quyền của công dân, các quyền bình đẳng trong hôn nhân…
Tiếp theo, có thể xem là vấn đề nhức nhối hiện nay, đó là ý thức tôn trọng pháp luật của công dân.
Ngày nay, có quá nhiều trường hợp cố ý gây thương tích trong trạng thái kích động mạnh xảy ra. Kể cả đó là người dưng hay là người thân, thì người ta vẫn không thể kiềm chế được mà gây thương tích cho người khác. Đây là một nguyên nhân chủ quan xuất phát từ ý thức không tôn trọng pháp luật của công dân.
Dạo gần đây, chúng ta thương xuyên nghe tin án mạng xảy ra chỉ vì những mâu thuẫn bình thường, chẳng hạn như tin “Nam thanh niên đấm chết bạn vì không rủ mình ra khơi cùng”, “Ba thanh niên chém nhau loạn xạ giữa phố vì ghen”, “Đâm chết người vì bị can ngăn mời rượu”,… Đáng nói hơn là mức án dành cho các đối tượng kể trên vẫn còn rất thấp. Vấn đề này như một hồi chuông cảnh báo cho chúng ta, khi mà các chế tài của pháp luật nói chung, và pháp luật hình sự nói riêng còn chưa đủ tính răn đe.
Ngoài ra, còn có thể xét đến mặt tình cảm. Ví dụ như khi một bên không đồng ý ly hôn, họ sẽ dùng mọi cách để cứu vãn cuộc hôn nhân đó, trong đó phải kể đến biện pháp “bạo lực”. Đến đây chúng ta lại quay về vấn đề nhận thức và ý thức chủ quan của người trong cuộc.
Chúng ta phải biết rằng, “bạo lực” không bao giờ là cách để giải quyết vấn đề. Mà khi mâu thuẫn xảy ra, để không dẫn đến kết cục ly hôn, hai vợ chồng phải ngồi lại với nhau, dùng tình cảm để điều hòa mâu thuẫn. Khi mẫu thuẫn không thể điều hòa, phải dẫn đến ly hôn, thì hai bên cũng nên tôn trọng lẫn nhau, để đảm bảo hạnh phúc cá nhân, cũng như trật tự của xã hội.
Bạn đang tham khảo bài viết có tiêu đề ““Bạo lực” khi ly hôn – Vấn nạn hiện nay.”.
Nếu có vướng mắc về hôn nhân và gia đình, vui lòng liên hệ email contact@investpush.com – Tổng đài tư vấn hôn nhân và gia đình miễn phí để được giải đáp miễn phí và chính xác nhất.
Trân trọng./.
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH – INVESTPUSH LEGAL