Hai ngày nay, dư luận đang quan tâm đến việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với vụ án bà Hồ Thị Ngọc Điệp bỏ thuốc chuột vào nồi nước lèo bán bún bò của người cháu họ. Theo hồ sơ vụ án, do bà Điệp có tranh chấp đất đai với gia đình người cháu dâu là chị Trần Thị Bạch Tuyết; đồng thời, chị Tuyết vốn từng có thời gian phụ bán bún cho bà Điệp nhưng sau đó tự mở quán kinh doanh riêng. Ngày 25/12,nhân lúc chị Tuyết đi mua gia vị, bà Điệp lén bỏ 2g thuốc diệt chuột vào nồi nước lèo. Khi chị Tuyết quay về thì thấy nồi nước nổi bọt trắng liền sinh nghi và xem nhờ camera nhà dân gần đó thì phát hiện bà Điệp có hành vi trên. Sau hơn sáu tháng điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra, được Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM kiểm sát và kết luận việc đình chỉ là có căn cứ.
Quyết định đình chỉ vụ án của Cơ quan điều tra: Liệu có hợp lý?
Theo lập luận của Cơ quan điều tra thì số thuốc diệt chuột này không đủ để gây chết người, mục đích của bà Điệp chỉ nhằm phá hoại, không cho chị Tuyết bán hàng cho khách và sự việc đã bị phát hiện, chưa có hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, dư luận dường như không đồng tình với lập luận này và có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra.
Thực tế, một người bình thường hoàn toàn có thể nhận thức được việc bỏ thuốc chuột vào nồi bún riêu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và hậu quả chết người là cái kết hoàn toàn có thể biết trước. Hơn nữa, đây là quán ăn bán cho thực khách vào buổi sáng thì việc đánh giá hậu quả xảy ra đối với nhiều người là điều mà ai cũng có thể nhận thức được. Hành vi mà Bà Điệp thực hiện đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009). Cụ thể:
” 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.”
Tội “Giết người” theo Điều 93 Bộ luật hình sự được phân tích như sau:
- Chủ thể: Là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định. Bà Điệp hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện này.
- Khách thể: Tính mạng con người. Ở đây, tính mạng của rất nhiều người (các thực khách sẽ đến ăn tại quán) đang bị đe dọa.
- Mặt khách quan: Có hành vi tước đoạt mạng sống của người khác.
- Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Lỗi cố ý trực tiếp là người phạm tội thấy trước hậu quả có thể xảy ra, mong muốn hậu quả đó xảy ra nên thực hiện hành vi phạm tội. Lỗi cố ý gián tiếp là người phạm tội thấy được hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng để đạt được mục đích của mình nên để mặc cho hậu quả chết người xảy ra. Trong trường hợp này, bà Điệp có nhận thức được hậu quả chết người hay không dường như là điều khá rõ ràng. Vậy Cơ quan điều tra đưa ra nhận định như trên dường như chưa thực sự hợp tình hợp lý.
Hành vi của Bà Điệp – Có dấu hiệu của phạm tội chưa đạt ?
Còn nhiều vấn đề pháp lý cần được quan tâm hơn trong vụ việc này, Một vấn đề đặt ra là hành vi của bà Điệp có rơi vào trường hợp phạm tội chưa đạt hay không?
Theo Điều 18 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2003) thì:
“Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”.
Theo đó, Hành vi của bà Điệp không thực hiện được vì bị phát hiện kịp thời, đây có thể xem là “nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”. Đặt trường hợp không ai phát hiện hành vi của bà Điệp và gây hậu quả chết người cho nhiều người thì có thể cấu thành tội giết người, cụ thể là giết nhiều người, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, người phạm tội chưa đạt cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Dựa trên những căn cứ pháp lý này, có thể thấy việc điều tra, phân tích hành vi của bà Điệp cần phải thật thận trọng, tránh bỏ lọt tội phạm và đảm bảo mục đích răn đe, giáo dục của pháp luật hình sự.
Trân trọng./
Investpush Legal