Nội dung câu hỏi:
Chào Luật sư Investpush, Trong quá trình làm bài tập em có gặp 2 câu hỏi mà chưa thể tìm được căn cứ trả lời. Rất mong Luật sư giúp em. Câu hỏi như sau:
Câu 1: Có 3 doanh nghiệp cùng nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Minh Thu” cho cùng sản phẩm nước mắm, tại một thời điểm, thì tất cả đều được cấp văn bằng bảo hộ. Đúng hay sai? Tại sao?
Câu 2: Một kiểu dáng công nghiệp (KDCN) được coi là mất tính mới nếu trước đó đã đưa sản phẩm sản xuất theo KDCN ra thị trường hoặc đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức mô tả bằng văn bản là đúng hay sai? Tại sao?
Em rất mong nhận được câu trả lời từ công ty ạ!
Luật sư tư vấn:
Cảm ơn Bạn đã gửi câu hỏi về cho LUẬT SƯ INVESTPUSH. Với câu hỏi của Bạn, Luật sư tư vấn như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Luật sở hữu trí tuệ 2005 ( sửa đổi, bổ sung năm 2009 )
2. Hướng giải quyết
Câu 1:
Có 3 doanh nghiệp cùng nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Minh Thu” cho cùng sản phẩm nước mắm, tại một thời điểm, thì tất cả đều được cấp văn bằng bảo hộ. Đúng hay sai? Tại sao?
Khẳng định trên là Sai. Giải thích:
Trên thực tế hiếm có trường hợp có sự trùng lặp hoàn toàn về nội dung đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bởi khi nộp hồ sơ đăng ký cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định quyền ưu tiên đối với mỗi hồ sơ đăng ký theo quy định tại Điều 10 Nghị định 103/2006/NĐ-CP như sau:
” Điều 10. Quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu
Quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quy định tại Điều 91 của Luật Sở hữu trí tuệ được áp dụng như sau:
1. Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo quy định của Công ước Paris, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của người nộp đơn sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Người nộp đơn là công dân Việt Nam hoặc công dân của nước Thành viên của Công ước Paris hoặc cư trú, có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước Thành viên Công ước đó;
b) Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước Thành viên của Công ước Paris và đơn có chứa phần tương ứng với yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu;
c) Đơn đăng ký được nộp trong thời hạn sau đây kể từ ngày nộp đơn đầu tiên: sáu tháng đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu, mười hai tháng đối với đơn đăng ký sáng chế;
d) Trong đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, người nộp đơn có nêu rõ yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên nêu tại điểm b khoản này trong trường hợp nộp tại nước ngoài, trong đó có xác nhận của Cơ quan nhận đơn đầu tiên;
đ) Nộp đủ lệ phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
2. Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế khác, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện về quyền ưu tiên quy định trong điều ước đó.”
Bên cạnh đó, Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên cũng được áp dụng khi có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau. Cụ thể, Theo quy định tại Điều 90 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi năm 2009 thì:
” 1….văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
2. Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
3. Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.”
Như vậy, Đối với nhãn hiệu Minh Thu nếu Có 3 doanh nghiệp cùng nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu này cho cùng sản phẩm nước mắm, tại một thời điểm, thì không thể cấp văn bằng bảo hộ cho cả 3 doanh nghiệp mà chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ nếu đáp ứng điều kiện bảo hộ và quyền ưu tiên hoặc trong trường hợp cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất hoặc nếu không thỏa thuận được thì 3 đơn của 3 doanh nghiệp bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Câu 2:
Một kiểu dáng công nghiệp (KDCN) được coi là mất tính mới nếu trước đó đã đưa sản phẩm sản xuất theo KDCN ra thị trường hoặc đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức mô tả bằng văn bản là đúng hay sai? Tại sao?
Khẳng định trên là Đúng. Giải thích:
Tính mới của kiểu dáng công nghiệp được quy định như sau:
” Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.”
Như vậy. nếu Kiểu dáng công nghiệp đó đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức mô tả bằng văn bản thì kiểu dáng công nghiệp đó không còn tính mới.
Bạn đang tham khảo bài viết về kiểu dáng công nghiệp có tiêu đề “ Cách xác định tính mới đối với kiểu dáng công nghiệp ?”. Bài viết được thực hiện dựa trên yêu cầu của khách hàng có sự biên tập để nội dung rõ ràng hơn. Với sự tư vấn trên đây, hy vọng rằng chúng tôi đã giúp bạn giải quyết được vướng mắc.
Tư vấn nêu trên chỉ được coi là tài liệu tham khảo. Quý khách hàng, người truy cập tuyệt đối không được coi là ý kiến pháp lý chính thức cuối cùng của Luật sư để giải quyết hoặc làm việc với bên thứ 3. Mọi yêu cầu tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ email contact@investpush.com – Tổng đài tư vấn sở hữu trí tuệ để được giải đáp miễn phí và chính xác nhất.
Trân trọng./
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ – INVESTPUSH LEGAL