"Cơn bão trà sữa”: Sự hiệu quả của mô hình nhượng quyền thương mại

BẠN CÓ MUÔN KINH DOANH? TRÀ SỮA HAY TRÀO LƯU KHÁC? NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI – LỰA CHỌN KHÔN NGOAN CỦA THẾ KỶ 21

Trà sữa là thức uống quen thuộc có nguồn gốc từ Đài Loan và đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2006, 2007 của thập kỷ trước nhưng vài năm trở lại đây, thị trường trà sữa bỗng dung được “ngoại hóa” với hàng loạt tên tuổi nổi tiếng như Gong Cha, Bobapop, Koi Thé, Royal Tea… Thật không khó để bắt gặp hàng dài những người đang xếp hàng chờ đợi tới lượt mình để mua được một cốc trà sữa. Vậy, những nhân tố nào đã khiến trà sữa biến thành một “cơn bão” càn quét khắp nhiều tỉnh thành của nước ta?

Mô hình nhượng quyền thương mại

Mô hình nhượng quyền thương mại hiện nay không còn quá xa lạ đối với chúng ta. Mô hình này được áp dụng khá hiệu quả trong rất nhiều lĩnh vực như bán lẻ, kinh doanh xăng dầu, giáo dục…. nhưng phát triển mạnh mẽ nhất là lĩnh vực nhà hàng – ăn uống (F&B). Luật Thương mại 2005 đã đề cập đến khái niệm này tại Điều 284:
“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây  :

  1. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
  2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh”.

Nói một cách dễ hiểu, giả sử bạn muốn nhận nhượng quyền một thương hiệu trà sữa thì bên nhượng quyền sẽ giúp bạn từ khâu chuẩn bị vật tư, thiết kế, công thức pha chế, đào tạo đội ngũ nhân viên và các công tác cần thiết khác cho đến khi cửa hàng trà sữa của bạn sẵn sàng đi vào kinh doanh theo đúng khuôn mẫu, quy trình của thương hiệu này. Bù lại, bạn sẽ trả khoản tiền nhượng quyền thương hiệu, ký quỹ (nếu có) và tự đầu tư chi phí mặt bằng, chi phí thuê mướn nhân viên, chi phí mua sắm trang thiết bị cũng như bạn phải đảm bảo tuân thủ các quy trình sẵn có và đảm bảo chất lượng và uy tín của thương hiệu trong suốt quá trình kinh doanh. Những vấn đề này sẽ được ghi nhận tại hợp đồng nhượng quyền thương mại giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền.

Hợp đồng nhượng quyền thương mại – Những vấn đề cần quan tâm

Theo quy định tại Điều 285 Luật Thương mại 2005 thì hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác giá trị pháp lý tương đương. Lẽ đương nhiên cho dù pháp luật có quy định hay không thì hình thức bằng văn bản luôn được ưu tiên vì quan niệm “giấy trắng mực đen”. Thông thường, các hợp đồng nhượng quyền thương mại luôn được soạn thảo bởi bên nhượng quyền bởi họ có vị thế tốt hơn trong việc đàm phán hợp đồng. Ngoài ra, các điều khoản trong hợp đồng nhượng quyền thương mại thường đã được chuẩn hóa nên ở vị trí của bên nhận quyền, việc tốt nhất là đọc kỹ và hiểu rõ các thỏa thuận pháp lý được ghi nhận trong hợp đồng để tránh bị lúng túng trong quá trình thực hiện.
Một số vấn đề mà bên nhận quyền cần lưu ý như mình có được nhượng quyền lại cho bên thứ ba hay không, ngoài chi phí nhận quyền còn những chi phí nào khác sẽ phát sinh, nghĩa vụ giữ bí mật kinh doanh và những chế tài đi kèm nếu mình vi phạm hoặc các hoạt động mình được hoặc không được thực hiện để thúc đầy việc kinh doanh như hoạt động quảng cáo, khuyến mãi…

Thương hiệu mạnh và sự chuẩn hóa – Chìa khóa thành công của mô hình nhượng quyền thương mại

Có thể nói thương hiệu là nhân tố chính quyết định phần lớn nhưng không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thành công của các chuỗi cửa hàng nhượng quyền. Thay vì tự xây dựng một thương hiệu riêng từ con số 0 trong bối cảnh thị trường F&B vốn đang là sân chơi của những “ông lớn” thì việc bỏ một số vốn ban đầu ra để sở hữu một trong những thương hiệu đó, trở thành một phần của họ dường như đem lại nhiều lợi thế hơn hẳn.
Thứ nhất, xu hướng tiêu dùng đang dựa trên thương hiệu. Nhiều thực khách đến với Highland Coffee đơn giản vì đó chính là Highland Coffee, một cái tên quá đỗi quen thuộc, một không gian quá đỗi quen thuộc cho việc gặp gỡ đối tác, bạn bè hoặc chỉ vì họ cần một chỗ ngồi để tập trung làm việc. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi tại những khu trung tâm thương mại, khu vực cao ốc văn phòng tại các thành phố lớn, các cửa hàng Highland Coffee luôn đông khách suốt cả ngày. Riêng với lĩnh vực trà sữa, những cái tên như Gong Cha, Koi Thé, Royal Tea, Bobapop… đã có vị thế trên thị trường vẫn luôn thu hút khách hàng hơn. Chưa kể với số lượng thương hiệu ngoại đang tiến vào Việt Nam ngày càng nhiều, làn sóng giảm chi phí nhượng quyền cũng đang ngầm diễn ra.
Thứ hai, sự chuẩn hóa trong ngành F&B giúp cho người tiêu dùng yên tâm và đặt niềm tin nhiều hơn vào các chuỗi nhượng quyền. Từ nguyên liệu cho đến cốc, bao bì hay máy móc vận hành đều được nhập từ nước ngoài với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng phần nào giúp cho loại hình kinh doanh này phát triển và người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn.
Ngoài ra, còn nhiều những ưu điểm khác mà loại hình kinh doanh này mang lại. Bạn không phải quá lo lắng về việc xây dựng thương hiệu, lo lắng về đào tạo nhân viên hay suy nghĩ về công thức chế biến. Tuy nhiên, nó sẽ đem lại đôi chút sự gò bó và bạn phải tuân theo những quy định từ bên nhượng quyền. Nếu thực sự mong muốn kinh doanh theo mô hình này, sự trợ giúp pháp lý là điều bạn cần nghĩ đến đầu tiên khi bắt tay với những “người chơi lớn”.
Investpush sẽ cùng bạn:

  • Đánh giá tiềm năng của thương hiệu bạn đang muốn giao dịch
  • Thực hiện rà soát hợp đồng chuyển nhượng 
  • Đảm bảo vấn đề pháp lý trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng nhượng quyền thương mại

Liên hệ email contact@investpush.com để được tư vấn cụ thể về nhượng quyền thương mại.
Trân trọng./
Investpush Legal

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *