Sự bất hợp lý trong bản án do Tòa án nhân dân huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum tuyên vào chiều ngày 27/9/2017 đã khiến người dân tại địa phương bức xúc. Đây là phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai và các bị cáo vẫn tiếp tục kêu oan.
Cưa gỗ rừng, bị tuyên tội trộm cắp
Tháng 4/2016, Lê Quốc Khánh có xin Phan Tiến Dũng, là kiểm lâm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy để cưa trộm gỗ trắc khô. Sau đó, Khánh cùng Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Ngọc Bình vào rừng cưa gỗ. Theo kết quả giám định, khúc gỗ mà các bị cáo cưa là cây gỗ trắc đã chết khô có khối lượng 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng. Do cây đổ tạo tiếng động nên cả nhóm bị cáo bị phát hiện, chạy trốn về nhà và tự giác ra đầu thú không lâu sau đó.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu tiên diễn ra vào tháng 9/2016, Hội đồng xét xử tuyên các bị cáo 12 đến 15 tháng tù vì tội trộm cắp tài sản. Tháng 3/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm lần một đã hủy bản án sơ thẩm nhưng Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm về tội danh nên đến lần xét xử phúc thẩm lần hai, Hội đồng xét xử không chấp nhận lời kêu oan và tuyên phạt các bị cáo từ 12 đến 14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các luật sư bảo vệ cho các bị cáo cũng như người dân theo dõi vụ án này đều rất bất bình vì tội danh trộm cắp tài sản được gắn cho hành vi khai thác rừng trái phép. Dường như có một sự khiên cưỡng hiện diện rõ trong cả quá trình tố tụng.
Tội danh bất hợp lý
Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Như vậy, đối tượng bị xâm phạm của tội trộm cắp tài sản là quyền sở hữu. Tuy nhiên theo khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì quyền sở hữu được công nhận đối với rừng sản xuất là rừng trồng trong khi đây là rừng đặc dụng. Chủ sở hữu rừng sản xuất, tức là chủ rừng thì bao gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì:
“Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường, bao gồm:
- a) Vườn quốc gia;
- b) Khu bảo tồn thiên nhiên gồm khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh;
- c) Khu bảo vệ cảnh quan gồm khu rừng di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh;
- d) Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học”.
Từ quy định trên, ta thấy rừng đặc dụng không thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân hay hộ gia đình nên việc định tội danh trộm cắp tài sản là thiếu hợp lý.
Những điểm bất thường trong quá trình xét xử
Mặc dù các luật sư đã đưa ra ý kiến như trên nhưng Viện Kiểm sát không tranh luận cũng như bị cáo Nguyễn Ngọc Bình bị khởi tố ngày 22/7/2016 nhưng đến ngày 20/6/2017 thì
Cơ quan điều tra mới giao quyết định khởi tố bị can. Đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Theo Khoản 6 Điều 126 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì “cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can…”. Những vi phạm thủ tục tố tụng này lại không được xét đến trong quá trình xét xử. Ngoài ra, một số phóng viên không được tiếp cận phiên tòa cũng là điều bất thường khi vốn dĩ nguyên tắc là phải xét xử công khai. Thiết nghĩ, để xây dựng và duy trì một nền tư pháp lành mạnh phải được bắt đầu từ chính bản thân những cá thể làm việc trong ngành tư pháp.
Quan điểm của Investpush Legal
Theo chúng tôi, phán quyết của Tòa án nhân dân huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum tại phiên xét xử phúc thẩm lần hai vẫn chưa thỏa đáng và đã hình sự hóa một vi phạm hành chính. Bản chất vụ việc chỉ dừng lại ở một hành vi vi phạm hành chính và chỉ bị phạt tiền Theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì đối với gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm thì hành vi khai thác trái phép dưới 0,3 m3 bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng, theo điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định này và áp dụng một hoặc một số biện pháp xử phạt bổ sung theo điểm b khoản 7 Điều 12 Nghị định 157/2013/NĐ-CP: “Tịch thu công cụ, phương tiện thô sơ và các loại cưa xăng”.
Tuy nhiên, nếu bị cáo đã ừng bị xử phạt hành chính hoặc kết án mà chưa được xóa án tích về hành vi khai thác và bảo vệ rừng hoặc hành vi vi phạm về quản lý rừng mà cò vi phạm thi 2 Hành vi trên chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 và Điều 176 Bộ luật hình sự khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định sau:
“Điều 175. Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Khai thác trái phép cây rừng hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 189 của Bộ luật này;
b) Vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 154 của Bộ luật này.
2. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng.”
Điều 176. Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng
1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Giao rừng, đất trồng rừng, thu hồi rừng, đất trồng rừng trái pháp luật;
b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật;
c) Cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”
Bài viết trên được đăng tải dựa trên những thông tin được công khai trên báo điện tử. Cần có thông tin cụ thể và chi tiết về vụ việc để Investpush tư vấn cụ thể và chi tiết hơn. Vui lòng gửi yêu cầu tư vấn qua email contact@investpush.com để được tư vấn cụ thể hơn.
Trân trọng./
Investpush Legal