Để phạt nguội trở thành phương pháp quản lý giao thông hữu hiệu

Cụm từ “phạt nguội” dường như không còn xa lạ với nhiều người dân Việt Nam. Tuy nhiên, dù đi vào thực tế đã lâu, nhiều người dân vẫn chưa thực sự hiểu rõ phạt nguội là gì cũng như còn lúng túng khi chính mình rơi vào trường hợp đó. Thời gian gần đây, khi nhiều phương tiện bị từ chối đăng kiểm vì chưa nộp phạt trong khi chủ xe không biết mình bị phạt đã khiến vấn đề này thu hút sự chú ý trở lại. Nhiều lý lẽ đã được đưa ra và vẫn chưa phân thắng bại, nhưng thiết nghĩ, mọi chính sách cần được áp dụng sao cho hiệu quả và nghiêm minh, vừa thuận tình thuận lý, vừa đảm bảo hưóng tới một văn hóa giao thông ngang hàng với thế giới.

Phạt nguội là gì và hiệu quả thực tế ra sao ?

Phạt nguội là hình thức sử dụng camera ghi hình lại phương tiện vi phạm tại một thời điểm, địa điểm xác định và sử dụng hình ảnh đó làm căn cứ để ra quyết định xử phạt. Hình thức này được áp dụng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những nước phát triển vốn có hệ thống giao thông và camera hiện đại cũng như quy trình nộp phạt được thực hiện nhanh chóng.

Hình thức phạt nguội đem lại nhiều lợi ích cho xã hội như tránh sự đôi co giữa người vi phạm và cảnh sát giao thông vì bằng chứng rõ ràng không thể chối cãi, áp dụng máy móc giúp giảm thiểu sử dụng sức người, phạm vi quản lý rộng và không giới hạn về mặt thời gian, xây dựng được cơ sở dữ liệu giao thông lớn làm tiền đề cho việc quản lý và ban hành các chính sách phù hợp với thực tế vi phạm của từng khu vực…
Tại Việt Nam, việc áp dụng camera trong giải quyết vi phạm giao thông đã được áp dụng từ năm 2013 trở lại đây nhưng hiệu quả chưa cao vì nhiều lý do:
Thứ nhất, trừ những khu vực được quy hoạch sau này thì các khu vực quy hoạch trước đây không có tính đồng bộ. Hệ thống camera không thể “phủ sóng” hết tất cả các đoạn đường, ngõ hẻm.
Thứ hai, việc áp dụng công nghệ vào quá trình xử phạt – thông báo – nộp phạt chưa hiệu quả. Nhiều chủ xe không biết mình bị phạt cũng như công tác xác minh và gửi quyết định xử phạt cùng hình ảnh của cảnh sát giao thông không biết bắt đầu từ đâu. Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, để tra cứu xem phương tiện của mình có dính “án phạt” hay không, người dân phải truy cập vào trang web http://csgthcm.vn. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng được thông tin về việc này cũng như quyết định xử phạt không được gửi đến tận tay thì cũng không có lý do gì để người dân tự lên trang web và tra cứu. Ngoài ra, cơ quan cảnh sát giao thông mỗi địa phương lại có những phương án khác nhau nên thiếu đi sự đồng bộ trong công tác xử phạt, nhất là với những phương tiện đi liên tỉnh.
Thứ ba, chúng ta chưa xây dựng được một nền văn hóa giao thông đúng mực trong khi phạt nguội chỉ có thể phát huy hiệu quả cao nhất khi người vi phạm có ý thức tự giác.

Những vấn đề chưa được pháp luật giải quyết thỏa đáng

Chưa có hành lang pháp lý riêng cho phạt nguội
Nghị định 165/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường cũng không có quy định nào hỗ trợ. Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ hay Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn chưa có quy định minh thị về việc phạt nguội nên còn nhiều khó khăn trong việc xử phạt. Theo điểm đ, Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì:
“Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính”.
Theo đó, trách nhiệm chứng minh vẫn thuộc về cơ quan cảnh sát giao thông trong khi hình ảnh đã được ghi nhận qua camera. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những trường hợp người vi phạm bất hợp tác, cho rằng người điều khiển phương tiện không phải là mình hoặc cho rằng hình ảnh có vấn đề, không rõ ràng để từ chối nộp phạt.
Ngoài ra, vì chưa có quy định riêng, nên phạt nguội vẫn phải tuân thủ quy trình như phạt nóng. Theo Chương III Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thủ tục xử lý vi phạm hành chính bao gồm các bước sau:

  1. Lập biên bản vi phạm hành chính
  2. Xác minh tình tiết vụ việc
  3. Giải trình: Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trước khi ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không có yêu cầu giải trình.
  4. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
  5. Gửi quyết định xử phạt đến đối tượng vi phạm
  6. Thi hành quyết định xử phạt

Quy trình này khiến cho người vi phạm không biết mình bị phạt cho đến một khoảng thời gian rất lâu sau đó, có khi lên đến cả tháng trời. Không những chậm trễ, kéo dài thời gian mà điều này cũng khiến nhiều người vi phạm có tâm lý không phục.
Khi chủ xe không phải là người điều khiển phương tiện
Theo khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: “Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”.
Theo khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về đối tượng bị xử phạt hành chính thì đối với cá nhân: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”.
Như vậy, tư tưởng của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người thực hiện hành vi vi phạm là đối tượng chịu phạt cho hành vi của mình. Nhưng thực tế, có nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện và chủ phương tiện tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm không phải là một. Nhiều chủ xe đã cho thuê hoặc cho người khác mượn xe trong khi phạt nguội không thể xác minh được vấn đề này. Phạt nguội chỉ giúp xác minh được chủ phương tiện mà thôi nên khi có quyết định xử phạt thì chủ xe vẫn có trách nhiệm nộp phạt. Đây là vướng mắc mà pháp luật cần giải quyết.
Trước khi có quy định thỏa đáng, các chủ xe cho thuê nên quy định rõ điều khoản về các vi phạm xảy ra trong thời hạn cho thuê xe: người thuê xe sẽ có trách nhiệm nộp phạt nếu vi phạm, cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin liên lạc, sổ hộ khẩu, tạm trú… Ngoài ra, khi bán hoặc tặng cho phương tiện, chủ xe nên thực hiện thủ tục sang tên phương tiện, tránh trường hợp xe đã bán nhưng vẫn nhận quyết định xử phạt.
Nhiều nước trên thế giới khi áp dụng phạt nguội cũng gặp tình trạng này và họ đã có phương án giải quyết kịp thời. Ví dụ như bang New South Wales, Úc có hỗ trợ cổng thông tin điện tử để chủ xe thông báo thông tin của người cầm lái tại thời điểm vi phạm cho chính quyền. Khi có yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng thì chủ xe mới cần cung cấp.

Kết luận

Nói chung, bên cạnh yêu cầu cấp thiết phải xây dựng khung pháp lý riêng cho phạt nguội thì việc áp dụng phương tiện công nghệ vào công tác quản lý giao thông cần được thực hiện đồng bộ, không chỉ ở khâu phát hiện hành vi vi phạm mà còn phải xuyên suốt quá trình xác minh, trao đổi thông tin giữa các cơ quan có liên quan cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; đồng thời là các giải pháp ở tầm vĩ mô như quy hoạch đô thị, xây dựng văn hóa giao thông hay Chính phủ điện tử. Đây là việc không thể thay đổi một sớm một chiều nhưng là điều cần làm để xây dựng và phát triền đất nước.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thể hiện quan điểm pháp lý riêng. Nếu Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật, xin vui lòng liên hệ email contact@investpush.com để được tư vấn miễn phí.
Dịch vụ pháp lý của Investpush Legal:

Trân trọng./
Investpush Legal

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *