Đòi Bồi Thường Vì Tinh Trùng Chồng Yếu – Được Hay Không ?

BÔÌ THƯỜNG CHI PHÍ ĐIỀU TRỊ HIẾM MUỘN – VẤN ĐỀ LẠ MỚI NỔI
Chắc hẳn bạn đọc đã rất quen thuộc khi thời gian qua những người vợ khi chấp nhận ly hôn yêu cầu được bồi thường tuổi thanh xuân. Thời gian gần đây một yêu cầu bồi thường tương tự nhưng còn lạ lẫm đã được TAND huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông thụ lý: Yêu cầu bồi thường Chi phí điều trị hiếm muộn khi chồng gặp vấn đề tinh trùng yếu?
Nội dung yêu cầu phản tố “đặc biệt” này là từ bà N trong khi giải quyết ly hôn với ông LNH. Nội dung cụ thể như sau:
Ông LNH (sinh năm 1987, ngụ Đăk Nông) và bà TQN cưới nhau năm 2016. Do cuộc sống vợ chồng có mâu thuẫn, năm 2017 ông H. nộp đơn yêu cầu ly hôn tại TAND huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông.
Làm việc tại tòa án, bà N. đồng ý ly hôn nhưng đưa ra yêu cầu phản tố. Theo bà N., trong quá trình chung sống, ông H. bị hiếm muộn (do tinh trùng yếu) nên đã điều trị tốn rất nhiều tiền. Nay bà yêu cầu ông H. phải bồi thường cho bà hơn 200 triệu đồng chi phí điều trị bệnh hiếm muộn.
TAND huyện Đăk R’Lấp đã thụ lý yêu cầu phản tố này của bà N. và ra quyết định yêu cầu ông H. cung cấp tài liệu liên quan đến việc điều trị căn bệnh hiếm muộn.
Trả lời tòa án bằng văn bản, ông H. cho biết không còn lưu giữ các tài liệu nêu trên. Theo ông, người yêu cầu bồi thường là bà N. thì bà có nghĩa vụ phải cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án, phần ông không có nghĩa vụ này. Ngoài ra, ông H. cũng cam kết rằng từ trước tới nay tinh trùng của ông rất mạnh”.
Theo PL TP.HCM
Nội dung tư vấn:
YÊU CẦU CỦA BÀ N. CÓ ĐƯỢC TÒA ÁN CHẤP THUẬN?

  1. Yêu cầu đòi bồi thường của bà N. là không có căn cứ pháp luật

Thứ nhất, “hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn” [1]. Bà N. và ông H. kết hôn vào năm 2016. Do đó kể từ thời điểm kết hôn, bà N. và ông H. có quan hệ hôn nhân.
Thứ hai, việc chữa trị bệnh hiếm muộn của ông H. xảy ra trong thời kỳ hôn nhân, là khoảng thời gian mà bà N. và ông H. là vợ chồng với nhau.
Như vậy, với việc xác định mối quan hệ hôn nhân giữa ông H. và bà N. là hôn nhân hợp pháp, cơ sở pháp lý để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên khi xảy ra tranh chấp. Luật Hôn Nhân và Gia đình 2014 là luật được chọn áp dụng giải quyết tình huống này.
Theo nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong chế độ hôn nhân, quan hệ hôn nhân vợ chồng được xác lập trên cơ sở tự nguyện [2]. Chính vì lẽ đó, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ chung của vợ chồng hết sức tự nhiên và phù hợp nét đẹp truyền thống dân tộc: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình” [3].
Trong tình huống trên, khi ông H. điều trị hiếm muộn, với vai trò là một người vợ, việc bỏ tiền, cụ thể là 200 triệu, là điều hợp với lẽ thông thường và quy định của pháp luật. Bởi lẽ số tiền trên được sử dụng để đáp ứng nhu cầu cần thiết trong đời sống, đó là nhu cầu được khám chữa bệnh và điều này cũng không nằm ngoài mong muốn được “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; …”[4], nhưng bà N. lại đòi ông H. bồi thường số tiền 200 triệu đó khi “cơm không lành canh không ngọt”. Thiết nghĩ đây là mối quan hệ hôn nhân, nó khác hẳn so với quan hệ hợp đồng dân sự khi mà người ta có thể đòi bồi thường do vi phạm hợp đồng.
Ngoài ra, trong một vụ việc tương tự vào ngày 10 tháng 7 năm 2015, TAND huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) cũng giải quyết cho ly hôn và bác yêu cầu của ông Q. đòi vợ là bà T. phải trả 78 triệu đồng tiền trả cho mất mát, hi sinh, thiệt hại sức khỏe, tinh thần trong hơn bảy năm chung sống.
Chánh án TAND Quận Bình Tân (TP.HCM) Nguyễn Văn Thuận cho rằng, quan hệ hôn nhân do hai bên nam, nữ quyết định trên cơ sở tự nguyện. Các yêu cầu của vợ, chồng về các chi phí quan tâm, chăm sóc nhau, thiệt hại về sực khỏe, mất mát, hy sinh … trong quá trình chung sống là yêu cầu vô lý [5]
Như vậy, yêu cầu như trên của bà N. là không có cở sở pháp lý để thực hiện.

  1. Giả sử ông H. đồng ý trả chi phí chữa bệnh cho bà N. thì số tiền ông H. phải trả sẽ theo thỏa thuận với bà N. và độc lập với tài sản chung vợ chồng.

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân … [6] Nguyên tắc giải quyết tài sản chung là “chia đôi có tính đến hoàn cảnh, công sức đóng góp của mỗi người, … nếu không có thỏa thuận nào khác” [7]Trong trường hợp có thỏa thuận phân chia tài sản chung thì “thỏa thuận phân chia tài sản chung phải được lập thành văn bản và được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc do pháp luật quy định” [8]. Tình huống đặt ra không đề cập đến việc giữa ông H. và bà N. có bất kỳ thỏa thuận, cũng như bất kỳ tranh chấp hay yêu cầu nào về tài sản chung vợ chồng. Bà N. chỉ đơn thuần yêu cầu ông H. hoàn trả 200 triệu tiền chữa bệnh. Như vậy, khoản tiền 200 triệu đồng phí chữa trị hiếm muộn đã chi trả trước đó sẽ độc lập với khối tài sản dùng để phân chia tài sản chung vợ chồng.
Bài viết sẽ chỉ phân tích và giải quyết tình huống với giả định rằng ông H. đồng ý trả toàn bộ số tiền 200 triệu cho bà N. theo thỏa thuận giữa hai bên thì khoản tiền 200 triệu này độc lập với khối tài sản chung vợ chồng. Do vậy, nếu ông H. đồng ý trả lại 200 triệu đồng cho bà N. thì ông H. sẽ dùng số tiền mà ông H. nhận được sau khi chia tài sản chung của hai vợ chồng để chi trả. Nếu phần tài sản ông H. nhận được sau khi phân chia không đủ để chi trả thì ông H. có thể tài sản riêng của mình để trả hết 200 triệu đồng cho bà N.
Tuy nhiên, như đã phân tích ở phần 1 trên đây, việc ông H. có trả số tiền 200 triệu hay không sẽ phụ thuộc và quyết định của ông H. cũng như thỏa thuận giữa hai bên. Trong trường hợp ông H. không đồng ý trả hoặc hai bên không thỏa thuận được thì yêu cầu của bà N. cũng không có cơ sở để giải quyết.
[1] Khoản 1, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
[2] Khoản 1, Điều 2, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
[3] Khoản 1, Điều 19, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
[4] Khoản 3, Điều 2, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
[5] Bài viết: Ly hôn, đòi bồi thường “công” làm vợ, làm chồng. Tuổi trẻ Online, ngày 12/10/2015, http://tuoitre.vn/ly-hon-doi-boi-thuong-cong-lam-vo-lam-chong-983641.htm[7] Điều 59, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
[6] Điều 33, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
[7] Điều 59, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
[8] Khoản 2, Điều 38, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *