Giải mã vụ "Đâm trúng trâu, người và trâu đều chết"

Bạn đọc chắc hẳn đã biết đến vụ việc đang gây thắc mắc trong dư luận những ngày qua về việc người đi xe đâm trúng trâu và cả hai đều thương vong. Trước khi đi vào phân tích vấn đề pháp lý, Investpush trích dẫn thông tin đã đưa về vụ việc này như sau:
Vụ tai nạn xảy ra vào lúc 22h ngày 21.9, trên đường Tản Đà, phường Hương Sơ. Vào thời điểm trên, anh Cao Văn Tính (23 tuổi, thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh) điều khiển xe máy biển số 75 D1-163.54 chở 1 phụ nữ lưu thông trên đường Tản Đà theo hướng từ phường Hương Sơ về xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà).
Khi xe anh Tính đang chạy với tốc độ khá cao thì xuất hiện một con trâu của người dân đứng chặn ngay giữa đường. Do quá bất ngờ nên xe anh Tính đã đâm mạnh vào con trâu.
Cú tông khiến xe máy của anh Tính bị văng xa hơn 20 mét, anh Tính tử vong tại chỗ, người phụ nữ ngồi sau xe bị thương. Con trâu bị xe máy đâm phải cũng lăn ra đường tử vong tại chỗ.
Đã có rất nhiều bình luận liên quan đến sự việc này. Những giải thích của một số luật sư phần nào đã giải đáp được những thắc mắc nhỏ của bạn đọc. Tuy nhiên, Investpush nhận được thắc mắc của bạn Long ( H.Củ Chi, Tp.Hồ Chí Minh) về vấn đề này như sau:
Thưa Luật sư, qua việc theo dõi sự việc này em có thắc mắc muốn Luật sư giải đáp như sau:
Ở Việt Nam mình không ai đi thả trâu lúc 22h cả, con trâu là súc vật, nó không có ý thức chấp hành luật lệ giao thông, nó phá chuồng bỏ đi lúc khuya. Còn người bị nạn thì đêm tối, chạy tốc độ quá nhanh mới có thể tông con trâu chết tại chỗ được, như thế anh ta vi phạm luật giao thông. Bây giờ nhờ luật sư phân xử?”
Investpush đưa ra quan điểm pháp lý về thắc mắc của Anh Long như sau:
Về phương diện thực tế con trâu là súc vật vì vậy trách nhiệm liên quan đến súc vật sẽ do chủ sở hữu chịu trách nhiệm. Cụ thể:
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định như sau:
Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường do súc vật gây ra như sau:
Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Có thể nhận thấy rằng Điều 603 chỉ được áp dụng khi hành vi đáp ứng đủ căn cứ quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015.
Trường hợp 1: Chủ sở hữu súc vật đã áp dụng phương thức quản lý đối với súc vật. Việc súc vật ra khỏi nơi quản lý là sự việc nằm ngoài sự kiểm soát của chủ sở hữu.
Trong trường hợp này, Phương thức quản lý súc vật phù hợp có thể được hiểu như sau:
Người chủ sở hữu đã xây dựng chuồng trại, áp dụng những phương thức quản lý theo đúng quy định pháp luật và của từng địa phương.
Như vậy, khi đã áp dụng phương thức này thì việc trâu đi trên đường cản trở giao thông không có lỗi từ chủ sở hữu súc vật. Vì vậy, trách nhiệm bồi thường không được đặt ra với chủ sỡ hữu súc vật đồng thời không đủ yếu tố cấu thành tội phạm vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)
Trường hợp 2: Chủ sở hữu không áp dụng bất kỳ phương thức nào để quản lý súc vật hoặc áp dụng không đúng, đủ những biện pháp quản lý theo quy định pháp luật và tập quán quản lý địa phương
Khi địa phương đã quy định những phương thức quản lý súc vật, hoặc chủ sở hữu nhận thức được sự gây trở ngại của súc vật đối với sự an toàn của con người và tài sản khác mà không có biện pháp quản lý thì chủ sở hữu của súc vật phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân. Tuy nhiên, nạn nhân di chuyển tốc độ nhanh trong điều kiện đêm tối đã vi phạm quy định về pháp luật giao thông đường bộ vì vậy nạn nhân cũng có lỗi. Trách nhiệm bồi thường giữa các bên tùy thuộc vào mức độ lỗi của hai bên. Bên cạnh đó, hành vi của chủ sở hữu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự như sau:
” Điều 98. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.”
Như vậy, cần có kết quả điều tra để xác định cụ thể những tình tiết liên quan nhằm đưa ra kết luận chính xác nhất.
Trên đây là những nhận định ban đầu, đánh giá sơ lược của Investpush dựa trên tình tiết được cung cấp trên báo điện tử. Hy vọng bài viết có thể cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn pháp lý về vụ việc này. Mọi yêu cầu tư vấn, sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ qua email contact@investpush.com.
Trân trọng./
INVESTPUSH LEGAL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *