Giấy phép kinh doanh – Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Việt Nam vốn là một quốc gia có hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động cùng với lợi thế thị trường tiêu thụ lớn nên thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam và phân phối trong thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đi nước ngoài thì cần có Giấy phép kinh doanh. Loại giấy phép này được quy định tại Nghị định 23/2007/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Thông tư 08/2013/TT-BCT Quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu và quyền phân phối:

Theo quy định tại Khoản 3, 4, 6 Nghị định 23/2007/NĐ-CP thì:
“Quyền xuất khẩu là quyền mua hàng hoá tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hoá xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hoá tại Việt Nam để xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”.
“Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hoá đó tại Việt Nam; bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hoá nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hoá tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”.
“Quyền phân phối là quyền thực hiện trực tiếp các hoạt động phân phối”.
Theo Khoản 1 Điều 4 Nghị định 23/2007/NĐ-CP thì điều kiện được cấp Giấy phép kinh doanh gồm:
“a) Là nhà đầu tư thuộc các nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và trong Điều ước quốc tế đó Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa;
b) Hình thức đầu tư phù hợp với lộ trình đã cam kết trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với pháp luật Việt Nam;
c) Hàng hoá, dịch vụ kinh doanh phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và phù hợp với pháp luật Việt Nam;
d) Phạm vi hoạt động phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và phù hợp với pháp luật Việt Nam;
đ) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này chấp thuận”.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh gồm:

  • Văn bản đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
  • Bản giải trình việc đáp ứng các điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh;
  • Nội dung kinh doanh mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa dự kiến của doanh nghiệp;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư.

Nơi nộp hồ sơ:

Sở Công thương tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không được xem là ý kiến tư vấn pháp lý. Nếu Quý Khách hàng có nhu cầu tìm hiểu về Giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, xin vui lòng liên hệ email contact@investpush.comđể có câu trả lời nhanh chóng và chính xác nhất.
Trân trọng./
Investpush Legal

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *