Khi "tâm lý đám đông" kết hợp với "hội chứng bắt cóc" – Chỉ cần nghi ngờ là "tự xử"

“Tâm lý đám đông” được mô tả là một hiện tượng tâm lý khi mà một, một số người bị ảnh hưởng bởi những hành vi, ứng xử của người xung quanh. Lúc này, họ có xu hướng “hùa” theo những hành động của đám đông xung quanh đó.
Hiện tượng tâm lý đám đông này được thể hiện trong nhiều khung cảnh cuộc sống. Như: một đám các bạn sinh viên chen chúc nhau giành mua những bộ đồ được giảm giá, hùa nhau “ném đá” một người nào đó trên mạng xã hội,… Tuy nhiên, hình thức đang nổi lên của tâm lý đám đông hiện nay chính là “hội chứng bắt cóc”.
Báo điện tử Thanh niên ngày 24/07/2017 đã dùng cụm từ “hội chứng bắt cóc” để mô tả thực trạng, ngày càng có nhiều trường hợp đám đông tấn công người dân khi nghi ngờ có hành vi bắt cóc.
Điểm lại một vài vụ việc tiêu biểu của hội chứng bắt cóc gần đây:
– Sáng ngày 13/7, nhiều người dân ở Cửa Lò (Nghệ An) hô hoán nhau vây bắt, đòi đánh một người phụ nữ vì nghi ngờ người này bắt cóc trẻ em. Nhận được tin báo, công an phường Nghi Thủy đã tiến hành can thiệp, xác minh làm rõ sự việc. Kết quả điều tra cho biết, người phụ nữ kia là bà Nguyễn Thị Thủy (63 tuổi, quê ở Hà Nam). Bà Thủy đến Cửa Lò để bán thuốc dạo, chứ không hề làm chuyện bắt cóc trẻ em như lời đồn.
– Tối ngày 20/7, người dân ở xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà, Hải Dương) đã bao vây, đập phá và đốt chiếc xe hơi Fortuner vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Theo báo điện tử Vietnamnet đưa tin, người trên xe đã được xác định gồm anh Trịnh Mạnh Hải (sn 1980, trú tại huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) và tài xế, anh Lê Văn Nam (sinh năm 1988, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội). Hai người có ghé vào cửa hàng của Phạm Đăng Bắc (sinh năm 1984, trú tại thôn Đồng Hởi) hỏi mua đồ gỗ.
Khi chị Quyên (vợ anh Bắc) đang trao đổi với anh Hải thì thấy chóng mắt mệt mỏi. Nghĩ mình bị thôi miên như một số thông tin đã đọc trên mạng xã hội, chị Quyên chạy ra ngoài tri hô mọi người đến cứu. Thấy chị Quyên cầu cứu, nhiều người đã kéo đến đòi đánh anh Hải và anh Nam. Thậm chí khi lực lượng công an đã đến can thiệp, đám đông vẫn rất kích động, có người còn ném đồ vào trong nhà của chị Quyên. Vụ việc đã được công an xác nhận rằng, chỉ là hiểu lầm.
– Mới đây nhất, vụ việc bà Lê Thị B. (40 tuổi, trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và bà Nguyễn Thị P. (52 tuổi, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bị đánh đập bầm dập vì nghi ngờ bắt cóc trẻ con. Nhưng sự thật, hai người này chỉ muốn mời mua tăm mà thôi.
Chỉ vì những phỏng đoán vô căn cứ, kết hợp với hiệu ứng đám đông, đã gây ra rất nhiều thiệt hại từ tài sản đến sức khỏe của những người vô tội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên cũng phần nhiều là bởi ý thức về pháp luật của người dân đang ở mức quá thấp. Bên cạnh đó, hiện nay, rất nhiều hình ảnh, clip được tung lên mạng xã hội với tiêu đề “có biến”, “cảnh giác”,… Nhưng thực chất, đó toàn là những thông tin thất thiệt, chưa được xác minh.
Làm sao giải quyết nạn “tự xử” của đám đông?

Công tác tuyên truyền pháp luật trong quần chúng đóng vai trò quan trọng để giải quyến vấn nạn này. Người dân cần nắm rõ các biện pháp xử lý, ngăn chặn khi phát hiện dấu hiệu tội phạm. Không thể để tình trạng, cứ thấy nghi nghi thì “hùa” nhau vây bắt, đánh đập người ta được.
Tình trạng các cá nhân, các trang “báo lá cải” thông qua mạng xã hội tung tin đồn thất thiệt nhằm thu hút sự chú ý, gây hoang mang dư luận ngày càng gia tăng. Vì thế, cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý nội dung tin tức “chưa được kiểm chứng” đó nhiều hơn.
Ngoài ra, cần nghiêm khắc trong việc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các cá nhân liên quan trực tiếp đến những hành vi quá khích.
Tùy vào loại hành vi và mức độ, những người liên can trực tiếp đó có thể bị phạt hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, v..v… Cụ thể, với hành vi tung tin đồn thất thiệt, vây bắt gây náo loạn, những người liên can trực tiếp có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nếu nặng hơn, gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản của người khác, những người này phải bị truy tố hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 121), tội hủy hoại tài sản (Điều143), tội cố ý gây thương tích (Điều 104)…
Tóm lại, cơ quan chức năng cần sớm đưa ra giải pháp và nghiêm túc thực hiện để chấm dứt “hội chứng bắt cóc” này, tránh làm lòng dân hoang mang.
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết liên quan:
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết:

Nếu có nhu cầu tư vấn về các vấn đề liên quan, vui lòng liên hệ email contact@investpush.com – Tổng đài tư vấn pháp luật để được giải đáp miễn phí và chính xác nhất.
Trân trọng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *