Lừa đảo qua điện thoại – Trò cũ nhưng nhiều người sập bẫy

Chiêu lừa trúng thưởng qua điện thoại xuất hiện từ nhiều năm trở lại đây. Nhiều người đã sập bẫy, tin tưởng và nghe theo lời dụ dỗ của kẻ gian và mất tiền oan trong khi thật sự không hề có giải thưởng nào. Hiện nay, với sự phát triển của mạng xã hội, các tin nhắn lừa đảo còn xuất hiện trên nhiều ứng dụng như Facebook, Zalo, Viber… Giá trị những giải thưởng được những kẻ lừa đảo đẩy lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng với nhiều hiện vật giá trị như xe máy, ô tô, ti vi thậm chí là… vàng. Bên cạnh chiêu treo thưởng, nhiều kẻ gian cũng giả mạo mình là cán bộ điều tra, cảnh sát, cán bộ viễn thông để lừa người dân tin rằng họ đang vi phạm pháp luật hay nợ cước điện thoại rồi nghe theo chỉ dẫn của chúng để lộ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng.

Trò lừa của kẻ gian hay chính lòng tham đang lừa mình

Một hình thức phổ biến của trò lừa đảo này là thông báo nạn nhân đã trúng thưởng và yêu cầu nộp một khoản “phí nhận thưởng” thông qua việc mua và nạp thẻ cào điện thoại cho một hoặc một số thuê bao nhất định với tổng số tiền từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng
Tháng 07/2017, chị M truy cập vào Facebook thì thấy bài viết có tên HONDA VIETNAM treo thưởng 200 chiếc xe Honda SH 125cc kèm theo phần thưởng phụ trị giá từ 1 triệu đến 20 triệu đồng. Khoảng 2 tuần sau, chị M nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung thông báo đã may mắn nhận được giải nhì từ sự kiện “Tuần lễ vàng tri ân khách hàng” năm 2017 và cung cấp mã số trúng thưởng là 143956379. Sau đó, họ yêu cầu chị M phải nộp phí nhận thưởng bằng hình thức nạp qua thẻ cào điện thoại với tổng số tiền mỗi lần là 3 triệu, 18 triệu, 26 triệu. Cho đến khi cảm thấy mình bị lừa, chị M mới liên lạc lại thì không số điện thoại nào liên lạc được. Lúc này, chị mới trình báo sự việc lên cơ quan công an.

Tư vấn hình sự – Investpush legal

Mất tiền vì nghĩ mình vi phạm pháp luật

Tháng 08/2017, có trường hợp cụ ông Nguyễn Văn Đ. (SN 1947, trú phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An) nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ tự xưng là nhân viên viễn thông. Theo đó, người đàn ông gọi điện cho ông Đ. thông báo gia đình ông đang nợ 8.930.000 đồng tiền cước điện thoại. Khi ông Đ. thắc mắc là đã nộp đầy đủ thì người này yêu cầu ông Đ. giữ máy để kết nối với một người khác là Đại úy công an điều tra Phạm Tuấn Anh. Đại úy công an này cho biết cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra một đường dây tội phạm cước bưu điện và ông Đ được cho là có liên quan đến đường dây này. Quá sợ hãi và không kịp suy nghĩ thấu đáo, ông Đ đã thành thật tiết lộ có 200 triệu đồng trong sổ tiết kiệm và sau đó đi rút tiền gửi vào tài khoản ngân hàng của kẻ gian với lý do được đưa ra là “phục vụ quá trình điều tra”.
May mắn thay gia đình ông Đ kịp thời phát hiện thấy ông có biểu hiện lạ nên đã ngăn chặn kịp thời hành động cả tin của ông. Chính bản thân ông cũng không hiểu vì sao mình lại hành động như vậy. Nhóm đối tượng này đã rất khôn ngoan khi nhắm đến mục tiêu là những người lớn tuổi, thường ở nhà một mình vốn dễ bị tác động tâm lý. Sau khi khiến cho nạn nhân cảm thấy sợ hãi khi nghĩ rằng mình đang dính líu vào một cuộc điều tra tội phạm quy mô lớn thì chúng ra sức thuyết phục, gây sức ép để nạn nhân gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của chúng hoặc để lộ thông tin gia đình, tình trạng tài chính, số tài khoản ngân hàng… Nhiều trường hợp đã được người dân tố cáo, tuy nhiên, nhóm tội phạm này có nhiều chiêu thức để tránh bị truy lùng bởi cơ quan điều tra.

Người dân nên làm gì khi nhận được những thông báo này

NẾU NHẬN ĐƯỢC TIN NHẮN TRÚNG THƯỞNG TỪ MỘT SỐ ĐIỆN THOẠI LẠ. BẠN CẦN:

  1. Giữ bình tĩnh và suy xét thấu đáo về thông báo trúng thưởng mà mình nhận được. Liệu người dân có từng tham gia một chương trình trúng thưởng uy tín của đơn vị nào đáng tin cậy hay không? Nếu chưa thì rất có thể đây chỉ là một trò lừa đảo. Cách tốt nhất là người dân không nên nhẹ dạ, cả tin và tham lam những phần thưởng “từ trên trời rơi xuống” vì khi lòng tham nổi dậy là nạn nhân đã sập bẫy kẻ gian và mù quáng làm theo hướng dẫn của chúng với suy nghĩ giá trị giải thưởng lớn thì phần “phí nhận thưởng” chẳng đáng là bao. Nếu trước đó người dân đã tham gia một chương trình giải thưởng đáng tin cậy như tại siêu thị, cửa hàng… thì cũng nên liên hệ lại với chính xác đơn vị đó để xác minh tính xác thực của thông báo và cũng chỉ nên làm việc trực tiếp để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, không có chương trình giải thưởng nào lại yêu cầu người trúng thưởng phải đóng thêm tiền nên người dân cần nhận thức đúng đắn và đề cao cảnh giác.

        2. Với những chiêu lừa đảo mang tính đe dọa và gây hoang mang khiến bạn nghĩ mình đang có liên quan             đến một tình huống nguy hiểm nào đó với bản thân hoặc người thân thì bạn cần ngay lập tức trình báo               cho cơ quan công an tại địa phương mình theo đúng số liên lạc chứ không nên tin vào những đầu số                 điện thoại lạ. Ngoài ra, người dân không được để lộ bất cứ thông tin cá nhân, thông tin gia đình, đặc           biệt là tài khoản ngân hàng.
      3 Nếu người dân đã lỡ chuyển tiền cho kẻ gian thì phải ngay lập tức thông báo đến cơ quan công an và             ngân hàng để họ kịp thời phong tỏa tài khoản của chính mình và của kẻ gian. Bên cạnh đó, người dân             cũng nên cài đặt điện thoại ở chế độ ghi âm cuộc gọi, lưu giữ lại các tin nhắn… Đây sẽ là những bằng               chứng có giá trị giúp người dân lấy lại tiền của và phục vụ quá trình điều tra, ngăn chặn tội phạm.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo với mục đích chia sẻ thông tin. Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật xin vui lòng liên hệ email contact@investpush.com để được tư vấn miễn phí và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất.
Dịch vụ pháp lý của Investpush Legal:

Trân trọng./
Investpush Legal

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *