“Hóa đơn đỏ”, “mua hóa đơn”, “xin hóa đơn” hay theo thuật ngữ pháp lý là hóa đơn giá trị gia tăng là những cụm từ không còn xa lạ đối với mỗi cá nhân kinh doanh. Ngay từ những hộ kinh doanh với quy mô vừa và lớn dù không nằm trong danh sách những đối tượng được sử dụng và cung cấp hóa đơn giá trị gia tăng cũng đã nắm rất rõ và sử dụng thuần thục những từ nóng trên. Tại sao sức hút từ những tờ hóa đơn GTGT lại lớn đến vậy? Hãy cùng INVESTPUSH giải mã trong bài viết “Mua bán hóa đơn “đỏ” – Hậu quả pháp lý không nhỏ?”
Thông tư 39/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 119/2014/TT-BTC quy định về các loại hóa đơn được sử dụng trong hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ như sau:
a) Hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) là loại hóa đơn dành cho các tổ chức khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động sau:
– Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa;
– Hoạt động vận tải quốc tế;
– Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
b) Hóa đơn bán hàng dùng cho các đối tượng sau đây:
– Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu
– Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” (mẫu số 5.3 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
c) Hóa đơn khác gồm: tem; vé; thẻ; phiếu thu tiền bảo hiểm…
d) Phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng…, hình thức và nội dung được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan.”
Như vậy, Đối với hóa đơn GTGT, Chỉ có tổ chức khai, tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ mới có quyền sử dụng và cung cấp trong khi cung ứng dịch vụ, hàng hóa trong nội địa.
VẬY TỔ CHỨC NÀO MỚI KHAI, TÍNH THUẾ GTGT THEO PHƯƠNG PHÁP KHẤU TRỪ?
Theo quy định thì những tổ chức sau thuộc đối tượng được tự nguyện phương pháp khấu trừ bao gồm:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT dưới một tỷ đồng đã thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.
- Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh đang hoạt động nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập có thực hiện đầu tư, mua sắm, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hoặc có hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh.
- Tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.
- Tổ chức kinh tế khác hạch toán được thuế GTGT đầu vào, đầu ra không bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã.
Hộ kinh doanh cá thể không nằm trong những đối tượng có quyền xuất hóa đơn GTGT vì vậy, đối với những doanh nghiệp cần có hóa đơn GTGT khi thực hiện mua hàng hóa từ những tổ chức, hộ kinh doanh thì cần có thủ tục “Trung gian” để vẫn mua hàng từ hộ kinh doanh với mức giá thỏa thuận được mà vẫn có hóa đơn GTGT. Bước trung gian ấy là cầu nối giữa bên mua và bên bán hóa đơn GTGT hoặc thậm chí là làm giả hóa đơn GTGT.
TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ RA SAO?
Ngày 31/7/2017, Cơ quan An ninh điều tra tại Hà Nội đã kết thúc điều tra và có kiến nghị VKSND truy tố đối với 12 bị can về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn”. Theo đó, Các đối tượng mua lại các pháp nhân của các công ty không còn hoạt động kinh doanh nhưng vẫn còn nhiều hóa đơn GTGT trắng, với giá từ 2 – 3 triệu đồng/quyển hóa đơn, sau đó tổ chức bán hóa đơn cho khách hàng có nhu cầu. Hóa đơn được nhóm đối tượng này bán với giá từ 200.000-300.000 đồng/hoá đơn với hoá đơn giá trị dưới 20 triệu đồng; 2% tổng giá trị tiền ghi trên hoá đơn đối với hoá đơn trên 20 triệu đồng, hoặc qua môi giới. Khi bị bắt, Người nhận hóa đơn GTGT trình bày, do làm nghề quảng cáo cho một công ty nên có nhu cầu mua hóa đơn để hợp thức hóa số hàng đã bán. Từ vụ việc nêu trên có thể nhận thấy:
HỢP THỨC HÓA SỐ HÀNG ĐÃ BÁN là cụm từ được coi là mục đích duy nhất của những hộ kinh doanh khi cung ứng dịch vụ, hàng hóa cho đối tượng mua là các tổ chức tính và kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ. Chính sự “HIỂU LẦM” về cụm từ “HỢP THỨC HÓA” đã khiến cho không ít cá nhân, hộ kinh doanh rơi vào vòng lao lý. Theo đó, trách nhiệm pháp lý đối với hành vi này được quy định như sau:
Thứ nhất, Về trách nhiệm hành chính:
Trách nhiệm hành chính được quy định tại Thông tư 10/2014/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong hóa đơn được sửa đổi, bổ sung bởi thông tư 176/2016/TT-BTC.
Thứ hai, về trách nhiệm hình sự
Phần lớn những đối tượng có hành vi mua bán trái phép hóa đơn đều có dấu hiệu của tội phạm bởi Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước đã ghi nội dung để nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 164a Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Cụ thể:
Điều 164a*. Tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Hoá đơn, chứng từ có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
đ) Thu lợi bất chính lớn;
e) Tái phạm nguy hiểm;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo quy định của thông tư số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC về hướng dẫn áp dụng một số điều trong Bộ Luật Hình Sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính – kế toán và chứng khoán quy định như sau:
“Điều 2. Về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 164a BLHS)
1.Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước bao gồm:
a) Hóa đơn xuất khẩu dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hóa đơn giá trị gia tăng; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng; các hoá đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm, …và phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế, chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng;
b) Lệnh thu nộp ngân sách nhà nước, giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước, bảng kê nộp thuế, biên lại thu ngân sách nhà nước và chứng từ phục hồi trong quản lý thu ngân sách nhà nước.
2. Chủ thể phạm tội này bao gồm:
a) Cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc người của tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
b) Người của tổ chức nhận in hoặc đặt in hóa đơn;
c) Cá nhân hoặc người của tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ.
3. Các hành vi qui định tại Điều 164a của BLHS được hiểu như sau:
a) In trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi tự in hóa đơn hoặc tự khởi tạo hóa đơn điện tử khi không đủ điều kiện hoặc không đúng, không đầy đủ các nội dung theo qui định của pháp luật; In hóa đơn giả hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử giả;
b) Phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là hành vi lập tờ thông báo phát hành không đầy đủ nội dung; không gửi hoặc không niêm yết tờ thông báo phát hành hóa đơn theo đúng qui định;
c) Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước gồm các hành vi sau đây:
c.1) Mua, bán hoá đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo qui định;
c.2) Mua, bán hoá đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hoá, dịch vụ kèm theo;
c.3) Mua, bán hoá đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ;
c.4) Mua, bán, sử dụng hoá đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hoá, dịch vụ giữa các liên của hoá đơn.
4. Hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước có số lượng lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn được hiểu như sau:
a) Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi (chưa ghi giá trị) từ 50 số đến dưới 100 số được coi là lớn; từ 100 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.
b) Số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước đã ghi nội dung để nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn; từ 30 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.
5. Thu lợi bất chính lớn là thu được khoản lợi có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội nêu trên.
6. Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên.”
Tham khảo thêm một số bài viết liên quan:
- Hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo tháng hay theo quý?
- Các khoản thu nhập nào bắt buộc GROSS UP trước khi trả lương NET?
- Chi phí lãi vay với khoản vay nước ngoài?
Trên đây là những nghiên cứu và đánh giá pháp lý dựa trên kiến thức của người viết. Bài viết đăng tải nhằm mục đích tham khảo, không có giá trị pháp lý như sự tư vấn cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Bạn đọc nên có sự trao đổi với Luật sư trước khi áp dụng. Liên hệ luật sư tư vấn miễn phí qua email contact@investpush.com.
Trân trọng./.
BỘ PHẬN TƯ VẤN THUẾ – INVESTPUSH LEGAL