Hiện nay, trên thế giới việc đăng ký bảo hộ đối với mùi hương đã được thực hiện tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, Theo quy định “nhãn hiệu có thể là từ ngữ, tên gọi, biểu tượng, hình ảnh hoặc bất cứ sự kết hợp nào của chúng” được sử dụng trong thương mại để phân biệt hàng hóa/dịch vụ và để chỉ ra nguồn gốc cúa chúng, thì mùi thơm cũng dần dà được xem xét bảo hộ như một nhãn hiệu.
Theo thời gian, quy định về việc một nhãn hiệu mùi muốn được đăng ký phải đi kèm với từ ngữ hay hình ảnh đã được bãi bỏ. Vì vậy, một dấu hiệu mùi hay âm thanh đều có thể được bảo hộ một cách độc lập. Tất nhiên trong đơn đăng ký phải có mô tả một cách cụ thể và chính xác dấu hiệu mùi xin đăng ký đó.
Theo quy định của Hoa Kỳ thì một mùi không mang tính tự nhiên hay tính chức năng, nghĩa là không phải là mùi tự nhiên của sản phẩm hay mùi do chức năng, công dụng hay chất lượng của sản phẩm tạo ra thì có thể chấp nhận đăng ký và được ghi nhận vào Đăng bạ phụ (Supplemental Register). Chỉ khi nào chủ nhãn hiệu chứng minh được nhãn hiệu đạt được khả năng phân biệt thông qua sử dụng thì nhãn hiệu mới được ghi nhận vào Đăng bạ chính (Principal Register).
Đến những năm gần đây nhiều nhãn hiệu mùi đã được đăng ký vào Đăng bạ phụ, ví dụ: hai nhãn hiệu là “mùi oải hương” và “mùi vani” đã được đăng ký cho “các vật dụng văn phòng” (nhóm 16), “mùi quả nho” được chấp nhận đăng ký cho sản phẩm “dầu bôi trơn động cơ” (nhóm 04). Cho đến nay cũng chỉ mới một nhãn hiệu “mùi hoa đại” cho sản phẩm chỉ và chỉ thêu nêu trên là được ghi nhận vào Đăng bạ chính.
Theo nội dung quy định của pháp luật Hoa Kỳ nhãn hiệu mùi không thể có tính chức năng và về bản chất phải có khả năng tự phân biệt hoặc phải đạt được khả năng phân biệt.
Đánh giá đặc biệt về nhãn hiệu mùi:
– Không yêu cầu nộp bản vẽ đối với nhãn hiệu mùi.
– Thay vào đó, người nộp đơn cung cấp bản mô tả nhãn hiệu.
– Tuy nhiên, nếu nhãn hiệu bao gồm mùi hương và cả những thành phần nhìn thấy được khác, thì người nộp đơn được yêu cầu nộp bản vẽ có mô tả những thành phần nhìn thấy được đó.
Là một loại nhãn hiệu phi truyền thống, nhãn hiệu mùi là dấu hiệu không nhìn thấy được mà chỉ được cảm nhận chủ quan bởi người tiêu dùng, do đó vấn đề thường đặt ra là liệu mùi vị có thể hoàn thành chức năng của nhãn hiệu là để nhận biết và phân biệt hàng hóa/dịch vụ của một doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác hay không. Bên cạnh đó rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, chỉ chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu là các dấu hiệu nhìn thấy được hoặc thể hiện được bằng đồ họa hay biểu đồ.
Cụ thể, Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ quy định như sau:
“Điều 72. Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ
Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
2. Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.“
Như vậy, pháp luật việt nam không thừa nhận mùi hương là một loại nhãn hiệu. Nhưng kể từ thời điểm Việt Nam tham gia TPP thì những thách thức trong việc bảo hộ nhãn hiệu đối với mùi hương là một trong những nội dung cần có sự nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan quản lý và chuyên môn.
Trên thực tế, Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn trong quá trình áp dụng TPP về việc bảo hộ nhãn hiệu với mùi hương là do sự thiếu sót về mặt kiến thức liên quan đến bảo hộ mùi hương.
Thời gian tới chúng ta cần chờ đợi sự triển khai mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý và chuyên môn để có thể sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ hiện hành nhằm đáp ứng những nội dung của TPP và mở rộng hơn về quyền sở hữu trí tuệ.
Tư vấn nêu trên chỉ được coi là tài liệu tham khảo. Quý khách hàng, người truy cập tuyệt đối không được coi là ý kiến pháp lý chính thức cuối cùng của Luật sư để giải quyết hoặc làm việc với bên thứ 3. Mọi yêu cầu tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ email contact@investpush.com – Tổng đài tư vấn miễn phí để được giải đáp miễn phí và chính xác nhất.
Trân trọng./.
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ – INVESTPUSH LEGAL