Taxi truyền thống và Taxi công nghệ: Khi lời kêu cứu rơi vào thinh không

Những ngày cuối tuần qua, không khó để bắt gặp nhiều taxi Vinasun hay Mai Linh đồng loạt dán decal phản đối Uber và Grab với những khẩu hiệu như: “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”; “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”. Có thể thấy sau nhiều xung đột giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ từ những buổi đối thoại giữa lãnh đạo các bên cho đến những trận ẩu đả giữa cánh xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ tại các bến xe, bãi đón khách thì động thái này của Vinasun và Mai Linh cũng chỉ như những lời kêu cứu rơi vào thinh không. Nhiều ý kiến cho rằng Vinasun và Mai Linh chỉ như những đứa trẻ đang khóc đòi mẹ. Trong bối cảnh công nghệ đã và đang đem lại nhiều thay đổi tích cực cho thế giới thì hành động của Vinasun và Mai Linh lại đi ngược lại xu thế và để lại nhiều hệ lụy cho chính danh tiếng của mình.

Cạnh tranh không lành mạnh?

Việc hàng loạt taxi truyền thống dán decal như trên có vi phạm pháp luật hay không? Theo quy định tại Điều 43 Luật Cạnh tranh 2004 thì một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh là “Gièm pha doanh nghiệp khác”:
Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.
Nội dung của các decal này đã chỉ đích danh Uber và Grab cũng như “tố” họ hoạt động không tuân thủ pháp luật Việt Nam trong khi vẫn chưa có cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền chính thức công nhận điều này. Thậm chí, Uber và Grab còn đang trong giai đoạn thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT và hành vi dán decal phản đối còn gây hiệu ứng ngược trong dư luận. Chưa kể, những lời “tố” của tài xế rằng họ không tự ý dán decal lên xe như lời tuyên bố của lãnh đạo công ty lại khiến khách hàng thêm phẫn nộ với Vinasun vì chối bỏ trách nhiệm. Danh tiếng có thể mất rất nhiều thời gian để xây dựng nhưng khi một doanh nghiệp đi sai nước cờ trong xử lý khủng hoảng truyền thông thì tất cả sẽ sụp đổ.

Điều kiện kinh doanh – Cái lý của Vinasun

Việc taxi truyền thống lên tiếng suốt thời gian qua không phải là không có lý do. Những lời kêu cứu này đưa chúng ta trở lại với câu chuyện về điều kiện kinh doanh, vốn không chỉ “nóng” trong lĩnh vực vận tải mà còn ở rất nhiều lĩnh vực khác. Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 63/2014/TT-BGTVT). Bên cạnh loại giấy phép con tên là “Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” thì doanh nghiệp còn phải đảm bảo các điều kiện trong suốt quá trình kinh doanh như:

  • Phải niêm yết tên, thông tin, số điện thoại, bảng giá cước… trong và ngoài xe;
  • Trên xe có trang bị bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định;
  • Có phù hiệu và hộp đèn, thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính cước, thiết bị giám sát hành trình;
  • Đăng ký biểu trưng với Sở Giao thông vận tải trước khi đưa phương tiện vào khai thác;
  • Phải có trung tâm điều hành, đăng ký tần số liên lạc và có thiết bị liên lạc giữa trung tâm và các xe;
  • Gửi hồ sơ lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc đến Sở Giao thông vận tải trước khi đưa phương tiện vào khai thác;
  • Tuân thủ các điểm đón, trả khách, đỗ xe taxi theo quy hoạch của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
  • Đăng ký mẫu thẻ tên và đồng phục lái xe với Sở Giao thông vận tải…

Và hai điểm quan trọng nhất trong khung pháp lý, giúp do Uber và Grab dễ dàng giành được thị phần từ tay taxi truyền thống là quy định về quyền sở hữu phương tiện và giới hạn số lượng xe taxi theo quy hoạch của mỗi địa phương. Uber hay Grab thực chất chỉ là ứng dụng kết nối người có xe nhàn rỗi và người có nhu cầu đi lại chứ hoàn toàn không sở hữu bất cứ một phương tiện nào. Có thể thấy, chi phí để sở hữu phương tiện thực sự là một gánh nặng lớn đối với không chỉ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi mà tài xế cũng phải chịu nhiều khoản chi phí liên quan như đặt cọc… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tranh cãi liệu Uber và Grab có phải là doanh nghiệp kinh doanh vận tải hay không. Vấn đề này cũng tương tự như tranh cãi Agoda, Booking hay Airbnb có kinh doanh dịch vụ lưu trú hay không hay AIESEC có kinh doanh dịch vụ môi giới lao động hay không đối với những chương trình thực tập sinh. Ngoài ra, việc không có quy định pháp lý cụ thể về giới hạn số lượng xe tham gia Uber và Grab khiến khó kiểm soát hơn. Cùng trong một tuyến đường mà xe taxi không được đón, trả khách thì Uber, Grab có thể tự do thực hiện hành động mang tính chất tương tự. Như vậy, ta có thể thấy việc taxi truyền thống lên tiếng cũng có lý do của họ khi bị bủa vây khá nhiều điều kiện kinh doanh. Nhưng, đã là người chơi lớn trong ngành, Vinasun nên hiểu rằng chính cách ứng xử của mình mới là nguyên nhân khiến khách hàng quay lưng, và rằng, chính những phát ngôn của lãnh đạo sẽ thể hiện rõ nhất doanh nghiệp đang mạnh mẽ đấu tranh hay đang đuối sức trong vô vọng.

Pháp luật với Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0

Tư vấn pháp luật kinh doanh

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là cụm từ đã trở nên quá quen thuộc trên các phương tiện thông tin đại chúng và không còn xa lạ. Khái niệm này được nhắc đến lần đầu tiên tại Đức vào năm 2013 để đề cập đến một cuộc cách mạng công nghiệp mới kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Giờ đây, cái 4.0 đó đang nằm gọn trong tay của chúng ta, vừa hữu hình nhưng cũng lại vô hình. Chính vì nó vô hình nên pháp luật khó mà đuổi kịp. Ngày 01/01/2018, đề án thí điểm Uber và Grab theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT sẽ kết thúc. Với tư cách là những người làm trong lĩnh vực pháp lý, chúng tôi mong muốn các nhà lập pháp sẽ xây dựng được một khung pháp lý thích hợp với điều kiện xã hội của Việt Nam nhưng cũng khuyến khích, thúc đẩy sự ứng dụng và tiềm năng phát triển của công nghệ, nếu không thì pháp luật sẽ trở thành rào cản ngăn Việt Nam hòa nhịp vào sự phát triển của thế giới.

Khủng hoảng truyền thông – Đẳng cấp đến từ cách ứng xử

Vì sao trước nay các doanh nghiệp này không lên tiếng, chỉ khi Uber và Grab giành được thị phần thì mới vùng lên? Vì con người ta sẽ không thay đổi cho đến khi quyền lợi của mình bị xâm phạm. Chỉ đến khi Uber, Grab hay những ứng dụng khác tương tự chuẩn bị chào sân đang gặm dần miếng bánh của taxi truyền thống thì họ mới loay hoay tìm cách thay đổi. Nhưng vì đã ngủ yên quá lâu nên không biết thay đổi thế nào là phù hợp với thực tế thị trường.
Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ không phải chỉ diễn ra ở Việt Nam mà diễn ra ở bất cứ đâu có sự xuất hiện của Uber và Grab. Và một mặt nào đó, cơ quan lập pháp cũng cần xem xét lại phương pháp quản lý ngành vận tải để hướng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trong khi chờ đợi những thay đổi mang tầm vĩ mô như vậy, tự bản thân các doanh nghiệp truyền thống nên bình tĩnh và xử lý vấn đề của mình, nhất là giữ vững danh tiếng và uy tín. Những thay đổi tự thân sẽ mang lại kết quả tích cực hơn: nâng cao chất lượng dịch vụ, điều chỉnh lại chính sách về giá và nhất là những phát ngôn trên truyền thông đại chúng.
Tham khảo các dịch vụ doanh nghiệp tại Investpush:

  1. Thành lập doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
  2. Thẩm định pháp lý (Due diligence) và quản trị rủi ro doanh nghiệp
  3. Khai thuế, báo cáo tài chính
  4. Tư vấn nhân sự, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, thẻ tạm trú
  5. Dịch vụ văn phòng ảo, dịch thuật

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và nhìn nhận dưới góc độ khách quan, không thể hiện sự ủng hộ hay phản đối tổ chức, cá nhân nào. Nếu Quý Khách hàng có nhu cầu tìm hiểu các quy định pháp luật, xin vui lòng liên hệ với Investpush Legal tại email contact@investpush.com để nhận được sự tư vấn miễn phí và tận tình nhất.

Trân trọng./
Investpush Legal

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *