Tiền mất tật mang vì tin khám bệnh từ thiện ?

Sau rất nhiều sự việc mất cả chục triệu vì mua thực phẩm chức năng, thuốc “chữa bách bệnh” từ các đoàn mang danh nghĩa khám bệnh từ thiện đã có sư thông báo tới chính quyền địa phương cấp xã thì có lẽ người dân cũng chưa có những thông tin đầy đủ để có bài học cho mình.

NHẬN BIẾT CHƯƠNG TRÌNH KHÁM CHỮA BỆNH TỪ THIỆN HỢP PHÁP

Để thực hiện một chương trình khám,chữa bệnh từ thiện, nhân đạo đơn vị thực hiện phải đáp ứng những quy định tại Thông tư 30/2014/TT-BYT quy định về khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo như sau:
Thứ nhất, Về khái niệm
Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo là hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí hoàn toàn cho người bệnh
Thứ hai, Về điều kiện được phép thực hiện khám chữa bệnh nhân đạo
1. Điều kiện về cơ sở vật chất:
a) Trường hợp đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở này phải có giấy phép hoạt động theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh;
b) Trường hợp đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại địa điểm khác thì địa điểm này phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có nơi tiếp đón, buồng khám bệnh các chuyên khoa, buồng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu), buồng cấp cứu – lưu bệnh;
– Đáp ứng các điều kiện về kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn bức xạ, quản lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;
Bảo đảm đủ điện, nước và các điều kiện khắc phục vụ việc khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
2. Điều kiện về nhân sự:
a) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
– Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh (sau đây viết tắt là chứng chỉ hành nghề) với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề phù hợp với danh mục kỹ thuật chuyên môn mà đoàn đã đăng ký và đã có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng;
– Là lương y hoặc người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp theo quy định nếu thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo bằng y học cổ truyền.
b) Các thành viên khác của đoàn trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề. Trường hợp thành viên trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh nhưng không thuộc diện phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh thì phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với phạm vi chuyên môn được phân công;
c) Trường hợp có thực hiện cấp phát thuốc thì người cấp phát thuốc phải có bằng cấp chuyên môn tối thiểu là dược tá hoặc bác sỹ có chứng chỉ hành nghề.
3. Điều kiện về trang thiết bị y tế và thuốc:
a) Có đủ trang thiết bị y tế, hộp thuốc chống choáng, thuốc cấp cứu và thuốc chữa bệnh phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo;
b) Trang thiết bị phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thuốc sử dụng để khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo phải thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và còn thời hạn sử dụng.
4. Phạm vi hoạt động chuyên môn:
a) Thực hiện đúng các quy định về chuyên môn kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế hoặc các Bộ, ngành cho phép;
b) Nếu thực hiện phẫu thuật tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lưu động như tàu bay, tàu thủy, tàu hỏa, ô tô hoặc các phương tiện chuyên dụng di động khác phải có hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại địa phương để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người bệnh.
5. Nếu đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó đồng ý bằng văn bản.
6. Nếu đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại địa điểm khác ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đồng ý bằng văn bản.
Thứ ba, Về thẩm quyền cho phép sự hoạt động của đoàn khám chữa bệnh nhân đạo
Giám đốc Sở Y tế cho phép cá nhân, đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước, nước ngoài, đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế và tại các địa điểm khác trên địa bàn quản lý.
Như vậy, để một đoàn khám bệnh nhân đạo trong nước được tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại các địa phương thì đoàn khám bệnh phải đáp ứng đủ điều kiện về vật chất, nhân sự và sự cho phép của sở y tế và sự đồng ý của UBND xã nơi tiến hành khám chữa bệnh nhân đạo.
LỪA ĐẢO DỄ DÀNG VÌ CÓ MÁC NIỀM TIN “UBND XÃ ĐỒNG Ý”
Tai một số địa phương Chính quyền địa phương còn chủ động thông báo trên Loa công khai và khuyến khích người dân tới để được khám và mua thuốc, Chính quyền đang vô tình đẩy người dân vào sự lựa chọn cho cái kết “đắng”.
Một sự việc điển hình đã xảy ra vài tháng gần đây, nghe tin chính quyền thông báo có đoàn từ thiện của Cty Hadaco Việt Nam về khám bệnh miễn phí cho người dân theo phương pháp Đông y bằng máy vật lý trị liệu, hàng nghìn dân nghèo háo hức kéo đến các nhà sinh hoạt thôn để thăm khám. Chỉ vài động tác đơn giản, những bệnh nhân chủ yếu là người già được chẩn đoán có bệnh, sau đó được những người tự xưng là “bác sĩ” kê toa, thuyết phục mua thuốc với giá cao. “Ai khám cũng có bệnh, toàn bệnh na ná nhau rồi họ phát cho toa thuốc bảo mua. Họ bảo khám miễn phí theo phương pháp Đông y bằng máy vật lý trị liệu, chỉ lấy tiền thuốc. Do tin tưởng chính quyền đã thông báo trên loa nên lúc đầu chúng tôi không nghi ngờ.
TÌM AI ĐỂ ĐÒI QUYỀN LỢI KHI NIỀM TIN HÓA LỪA ĐẢO
Ngồi thất thần trong căn nhà nhỏ, cụ ông Nguyễn Chạ (82 tuổi, trú xã Bình Giang) vẫn chưa hết bức xúc vì bị lừa. Cụ Chạ cho rằng, chính quyền có lỗi vì đã “tiếp tay” cho những người tự xưng bác sĩ này để lừa dân. “Chính quyền thông báo trên loa, những người già chúng tôi lâu nay không được đi bệnh viện, thấy họ bảo khám miễn phí ai cũng vui. Tôi phải vay hàng xóm 1,6 triệu đồng để mua thuốc, ai ngờ họ không phải bác sĩ cũng chẳng có giấy phép hành nghề” – cụ Chạ bức xúc.
Khi vỡ lẽ về sự lừa đảo được sự cho phép từ ủy ban nhân dân người dân cũng chỉ ngậm ngùi cay đắng coi đó là bài học cho mình và người khác. Bởi chính ông Nguyễn Văn Anh – Bí thư Đảng ủy xã Bình Giang cho hay, sở dĩ chính quyền thông báo và cho phép đoàn người này khám bệnh là do tin tưởng công văn giới thiệu của Phòng Y tế H. Thăng Bình tới 21 xã. “Họ khám quá đơn giản, không có giấy phép hành nghề nhưng chúng tôi tin tưởng công văn từ huyện” – ông Anh nói.
Trong khi đó, ông Võ Văn Tuấn – Trưởng phòng Y tế H. Thăng Bình thì cho rằng: “Công văn giới thiệu của đơn vị không hề sai mà do Cty này làm sai. Trong công văn giới thiệu của chúng tôi không hề cho phép bán thuốc hay thực phẩm chức năng mà chỉ được khám chữa bệnh” – ông Tuấn lý giải.
TIN TƯỞNG KHÔNG PHẢI LÀ LÝ DO ĐỂ CHỐI BỎ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ
Giải quyết sự việc nêu trên là một quá trình cần có sự điều tra cụ thể từ cấp sở y tế tỉnh cho đến địa phương. Việc khám chữa bệnh nhân đạo không đáp ứng đủ điều kiện như đã nêu đều không được phép thực hiện. Trách nhiệm pháp lý được đặt ra tùy thuộc vào tình tiết cụ thể được điều tra. Tuy nhiên, có thể nhìn được hai vấn đề pháp lý rõ ràng như sau:
Về phía chính quyền địa phương: Cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho đoàn từ thiện hoạt động nếu biết rõ đoàn từ thiện không đủ điều kiện thì cơ quan có thẩm quyền cần phải có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người dân địa phương. Theo đó, trong một số trường hợp có thể áp dụng quy định của Luật bồi thường nhà nước để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân bị thiệt hại vì tin tưởng vào chính quyền
Về phía đoàn khám bệnh: Đối với hành vi này cần làm rõ những yếu tố liên quan đến hồ sơ xin phép được khám chữa bệnh từ thiện có đúng quy định pháp luật hay không. Nếu có những dấu hiệu lừa đảo thì những đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự như sau:
Điều 162. Tội lừa dối khách hàng
1.Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
NHỚ 5 NGUYÊN TẮC SAU ĐÂY ĐỂ KHÔNG MẤT TIỀN OAN VỚI CHƯƠNG TRÌNH TỪ THIỆN

  1. Nếu chương trình được tổ chức bởi cá nhân, tổ chức nào mang tên khám, chữa bệnh từ thiện, tình nguyện, nhân đạo được sự cho phép của chính quyền địa phương thì chắc chắn về mặt pháp lý đó phải là hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí hoàn toàn cho người bệnh
  2. Một chương trình khám chữa bệnh từ thiện, nhân đạo vẫn luôn phải có sự đảm bảo về mặt nhân sự: Có trình độ chuyên môn, có chứng chỉ hành nghề…
  3. Kiểm tra danh mục thuốc được kê sau khi được khám chữa bệnh và có sự đối chiếu chính xác về công dụng và giá được niêm yết trên website của nhà sản xuất hoặc của các đơn vị kinh doanh dược phẩm đang hoạt động trên địa bàn
  4. Lưu trữ lại hình ảnh, giấy tờ trao đổi, ghi nhận giao dịch với đoàn khám bệnh làm căn cứ khởi kiện, tố cáo nếu phát hiện sai phạm.
  5. Nên có sự trao đổi trực tiếp với địa phương trước khi tham gia khám bệnh chữa bệnh theo chương trình từ thiện được thông báo

Trân trọng./
Investpush Legal
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *