Tội phạm cổ cồn trắng – Sự thật được phơi bày

Họ có thể ngồi sau những chiếc bàn làm việc sang trọng, khoác trên người những bộ quần áo đắt tiền nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ không ăn cướp tiền của bạn. Tội phạm cổ cồn trắng (white collar crime) là cụm từ dùng để chỉ những tên tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và mang tính chất phi bạo lực, thường thấy như những vụ gian lận bởi các tập đoàn lớn hoặc cơ quan chính phủ. Tuy nhiên, những kẻ phạm tội cũng có thể không hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hoặc chính trị. Những ví dụ tiêu biểu cho giới tội phạm cổ cồn trắng có thể kể đến như: giao dịch nội gián, gian lận bảo mật, trộm cắp danh tính và bẫy Ponzi.

Mô hình ponzi

Bẫy Ponzi

Nhiều người trong chúng ta đã từng nghe đến cái bẫy Ponzi, nhưng chính xác thì nó hoạt động như thế nào? Theo cách hiểu đơn giản nhất, một cái bẫy Ponzi là việc dùng tiền vay được của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước chứ không phải bằng lợi nhuận thực tế. Trò lừa đảo sẽ bị bại lộ khi không đủ nhà đầu tư tham gia để kẻ giăng bẫy cho tiền để trả cho nhà đầu tư trước hoặc khi có nhiều nhà đầu tư rút vốn và yêu cầu trả nợ. Tuy nhiên, cái bẫy Ponzi thực tế phức tạp hơn nhiều và nó cũng gần như tương đồng với mô hình Kim tự tháp. Điểm khác biệt chính giữa mô hình Kim tự tháp và bẫy Ponzi là ở mô hình Kim tự tháp, người tham gia sẽ được hưởng hoa hồng khi lôi kéo được người tham gia mới.
Cái tên Ponzi được đặt theo tên của Charles Ponzi, một kẻ siêu lừa đã áp dụng thành công mô hình này. Vào năm 1920, Charles Ponzi hứa hẹn với các nhà đầu tư sẽ trả cho họ lãi suất 50% trong vòng 90 ngày và cuối cùng chiếm đoạt 15 triệu USD. Nhưng cho đến nay thì Bernard Madoff, người đã kiếm được 20 tỷ USD mới là tên tội phạm cổ cồn trắng áp dụng thành công nhất mô hình Ponzi trong lịch sử nước Mỹ.

Siêu lừa Madoff

Không rõ kể từ khi nào thì cái bẫy Ponzi của Madoff được hình thành, nhưng Cục Điều tra liên bang cho rằng trò lừa của ông ta bắt đầu tư khoảng giữa những năm 1980. Âm mưu của Madoff bắt đầu từ việc dụ dỗ các khách hàng mở các tài khoản giao dịch với lời hứa sẽ giới hạn được rủi ro và đảm bảo lợi nhuận cao. Madoff lấy được sự tin tưởng từ khách hàng bằng cách trả tiền cho họ theo đúng những gì ông ta hứa. Các khách hàng không biết rằng khoản tiền dùng để trả cho mình lại chính là tiền của những nhà đầu tư đến sau. Để che giấu sự gian lận của mình, Madoff lập một danh mục đầu tư giả mạo gửi cho các khách hàng và nộp các báo cáo giả cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ.
Trong nhiều thập kỷ, cái bẫy càng ngày càng lớn hơn và mở rộng quy mô lên toàn cầu cho đến năm 2008, khi nền kinh tế suy thoái, các nhà đầu tư bắt đầu rút tiền ra và yêu cầu thanh toán. Madoff không đủ khả năng tài chính để trả tiền cho các nhà đầu tư đang rút lui và cuối cùng ông ta thú nhận sự thật với con trai mình. Con trai ông ta sau đó đã báo cáo với cảnh sát và Madoff đã bị bắt vì gian lận. Năm 2009, ông ta bị cáo buộc 11 tội danh, trong đó có gian lận, rửa tiền, trộm cắp và khai man.
Tại phiên tòa, luật sư của Madoff đề nghị mức án 12 năm tù thay vì mức án 20 năm từ cơ quan công tố. Để biện hộ, luật sư của Madoff chỉ ra ba điểm cần cân nhắc:

  • Thứ nhất, Madoff đã 71 tuổi tại thời điểm đó và dự đoán với tình trạng sức khỏe này, ông chỉ còn sống được thêm 13 năm nữa.
  • Thứ hai, thẩm phấn nên cân nhắc cẩn trọng lời nhận tội của Madoff và sự hợp tác với cơ quan điều tra.
  • Thứ ba, theo tiền lệ, mức án tù trung bình cho tội phạm cổ cồn trắng là 8,5 năm.

Ở phía ngược lại, cơ quan công tố đề nghị mức án cao nhất là 150 năm tù với ba lập luận sau:

  • Thứ nhất, Madoff đã gian lận với hàng nghìn người và tổ chức, kể các các tổ chức từ thiện.
  • Thứ hai, tính chất rộng và kéo dài của hành vi phạm tội này là tương xứng với mức án tối đa.
  • Thứ ba, Madoff chỉ thú nhận hành vi của mình vào phút giây cuối cùng, khi ông ta không còn khả năng duy trì mô hình này nữa.

Thẩm phán đã nghiêng về phía cơ quan công tố và ra phán quyết 150 năm tù dành cho Madoff, bao gồm cả việc kiểm soát và tịch thu tài sản. Tòa án ra phán quyết dựa trên tính chất “cực kỳ tàn ác” của tội phạm, số tiền khổng lồ mà ông ta nắm giữ, hậu quả để lại cho các nạn nhân cũng như việc Madoff đã dùng những đồng tiền lừa đảo được để phục vụ lối sống hoang phí, xa hoa của mình.

Đế chế Enron sụp đổ

Enron là cái tên quen thuộc trong lịch sử tội phạm cổ cồn trắng và cũng áp dụng cái bẫy Ponzi. Enron, một công ty năng lượng được thành lập tại Mỹ đã trở thành công ty lớn nhất trong lịch sử nộp đơn phá sản với tổng tài sản được ghi nhận lúc đó là 63.4 tỷ USD. Bằng các thủ thuật tài chính và các công ty con với mục đích đặc biệt, Enron đã che giấu được khoản nợ khổng lồ từ các phi vụ làm ăn và dự án thua lỗ. Trong số các bị cáo, Giám đốc điều hành Jeffery Skilling, nhà sáng lập Enron Kenneth Lay đã bị cáo buộc nhiều tội danh bao gồm: lừa đảo, thông đồng, giao dịch nội gián, lừa đảo ngân hàng và kiểm toán viên.
Đế chế Enron bắt đầu lung lay khi các khoản lỗ và nợ bắt đầu lớn dần vào năm 2000. Để che giấu tình trạng này, công ty thực hiện một loạt hành vi phạm tội để tạo nên sự ổn định tài chính giả mạo. Ví dụ như công ty đã lừa đảo bằng cách chuyển các nghĩa vụ của Enron cho một công ty khác nhưng không ghi nhận khoản lỗ trong sổ sách. Thêm vào đó, Enron cũng đã lừa dối nhân viên và công chúng khi thổi phồng giá trị thực của công ty, khiến các nhân viên và cổ đông thua lỗ, thậm chí phá sản. Một ví dụ nữa cho những hành động sai trái của Enron là khi Giám đốc điều hành, người đã cố tình mô tả sai lệch tình trạng thực tế của báo cáo tài chính cho các kiểm toán viên. Việc này giúp Entron vẽ nên một bức tranh đẹp hơn cho chính mình.
Vào năm 2001, một số nhà báo đã chỉ ra những điểm bất thường về giá cổ phiếu của Enron quá cao cùng nhiều giao dịch và dòng tiền bất thường. Vào cuối tháng 10 năm 2001, Ủy ban chứng khoán Mỹ đã tiến hành một cuộc điều tra chính thức tại Enron, yêu cầu rà soát lại báo cáo tài chính trong suốt 5 năm qua để làm rõ khoản lỗ 586 triệu USD. Hãng kiểm toán Arthur Andersen cũng phải hầu tòa vì đã che giấu các thủ đoạn của Enron. Vụ bê bối này khiến Arthur Andersen cũng mất hết khách hàng và đóng cửa sau đó không lâu.
Bài viết do Investpush Legal tổng hợp, dịch và biên tập với mục đích tham khảo và chia sẻ kiến thức. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ email contact@investpush.com.
Nguồn tài liệu:
Investopedia (http://www.investopedia.com/terms/w/white-collar-crime.asp)
BusinessPundit (http://www.businesspundit.com/white-collar-crimes-history-and-how-they-were-unravelled/)
Joffe Law (https://www.joffefederaldefense.com/famous-white-collar-crime-cases/)
Trân trọng./
Investpush Legal

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *