Cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh: Doanh nghiệp chớ vội mừng

CẮT GIẢM ĐIỀU KIỆN KINH DOANH – CHỈ MỚI LÀ KHỞI ĐẦU

Hiện nay, Chính Phủ đang đẩy mạnh các chương trình khuyến khích khởi nghiệp, đặc biệt là thông qua việc cải cách các chính sách pháp lý. Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính khi thành lập doanh nghiệp đã đem lại những kết quả nhất định. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tổng số doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 là 81.451 doanh nghiệp với số vốn 629.094 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2017 thì tổng số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt 93.967 doanh nghiệp với số vốn 902.682 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu của quá trình khởi nghiệp. Thực tế, để một doanh nghiệp thực sự đi vào hoạt động thì các doanh chủ còn vấp phải rất nhiều rào cản pháp lý phía sau:
Luật Đầu tư 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016) đã đưa ra một danh mục 243 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, tức là khi doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực này thì phải đảm bảo những điều kiện luật định. Những điều kiện này có thể là giấy chứng nhận (ví dụ như giấy chứng nhận an toàn thực phẩm), chứng chỉ hành nghề (ví dụ như đối với hoạt động xây dựng), giấy phép (ví dụ như giấy phép kinh doanh của nhà phân phối có vốn đầu tư nước ngoài) hay những điều kiện không mang tính chất văn bản như vốn pháp định, người đứng đầu, giới hạn phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài…
Vấn đề điều kiện kinh doanh, giấy phép con đã không ít lần được đặt ra bàn cân và đặt vấn đề xóa bỏ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vì vậy, việc Bộ Công thương ban hành Quyết định 3610A/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 nhằm cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực phổ biến như kinh doanh thực phẩm, giám định thương mại, thương mại điện tử, logistics… đã đem đến một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để “luật hóa” quyết định này vào các văn bản pháp luật khác thì còn là một quá trình dài. Cho đến lúc đó cũng như chờ đợi những lĩnh vực khác thuộc các Bộ quản lý khác có động thái tương tự thì giới doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều rào cản của điều kiện kinh doanh. Đặc biệt là những công ty có quy mô vừa và nhỏ, các start-up mới bắt đầu khởi nghiệp, khía cạnh pháp lý còn bị bỏ ngỏ do hạn chế về tài chính và kinh nghiệm. Sau khi thành lập công ty, còn rất nhiều vấn đề về thuế, lao động và các vấn đề pháp lý khác trong quá trình giao dịch với đối tác. Với hầu hết start-up, đây thực sự là một bài toán khó.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, các điều kiện kinh doanh nói chung và giấy phép con nói riêng vô hình chung hình thành một khoản chi phí ngầm cho doanh nghiệp, bên cạnh việc mất rất nhiều thời gian trong khi hơn 90% doanh nghiệp tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, chỉ bấy nhiêu cũng đủ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn ngay từ những ngày đầu tiên. Hy vọng trong tương lai, các điều kiện kinh doanh sẽ được cắt giảm một cách thực chất và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp với công đồng doanh nghiệp các nước trong khu vực.
Trân trọng./
Investpush Legal
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *