Vấn nạn thực phẩm bẩn – Giấy phép con không thể là lời giải

Câu chuyện về an toàn vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam không còn là câu chuyện quá mới mẻ nữa. Cứ cách dăm bữa nửa tháng, người ta lại nghe loáng thoáng đâu đó trên truyền hình, báo đài về một vụ bê bối an toàn vệ sinh thực phẩm nào đó: bún phở có hàn the, thịt heo đội lốt thịt bò, đồ ăn Trung Quốc tràn vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch, nước tương nước mắm trộn hóa chất độc hại, mật ong giả… Giờ đây, dường như vì đã quá quen với nó, chúng ta trở nên lãnh đạm, thờ ơ và chấp nhận mạo hiểm sức khỏe của chính mình và gia đình.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tính toán rằng, hàng ngàn tỷ đồng, khoảng 5,4 triệu ngày làm việc/năm của các doanh nghiệp trong ngành hàng thực phẩm đã phải đổ ra để tuân thủ thủ tục xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP, nhưng không có giá trị chứng nhận sản phẩm phù hợp. Song, đó chưa phải là tất cả. Việc một sản phẩm chocolate để lưu thông trên thị trường phải “cõng” 13 giấy phép không còn là chuyện mới mẻ nữa.
Cũng phải nhắc lại tình huống 5 tháng trước, cuộc đối thoại với doanh nghiệp vào ngày 13/5/2017 đã ghi nhận sự đồng thuận của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường với đề nghị bỏ quy định về công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm là hai văn bản chính được áp dụng để quản lý tình hình an toàn thực phẩm nhưng lại có nhiều bất cập. Kết quả tích cực thì chưa thấy, chỉ thấy phía doanh nghiệp thì bị làm khó bởi quá nhiều loại giấy phép con và những quy chuẩn, tiêu chuẩn không rõ ràng. Sau nhiều cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng, VCCI với các Bộ liên quan, Nghị định 38/2012/NĐ-CP đang trong quá trình sửa đổi với hy vọng tìm ra được một giải pháp hiệu quả hơn cho vấn nạn an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

Tư vấn pháp luật an toàn thực phẩm

Giấy phép con – Chuyện muôn thuở

Hiện nay, theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP thì có 3 loại thủ tục, giấy phép con đang làm khó doanh nghiệp:

  • Công bố hợp quy: Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy;
  • Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm: Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm;
  • Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm là hai văn bản chính được áp dụng để quản lý tình hình an toàn thực phẩm.
Điều 3, Khoản 1, Nghị định 38/2012/NĐ – CP (sau đây gọi là Nghị định 38), sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Khoản 1, Điều 4, Thông tư 19/2012/TT-BYT (sau đây gọi là Thông tư 19/2012) hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm quy định các bước công bố hợp quy như sau: cá nhân, tổ chức tự đánh giá và thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm tại phòng kiểm nghiệm hoặc đánh giá thông qua một tổ chức chứng nhận hợp quy do Bộ Y tế chỉ định; đăng ký bảng công bố gồm hồ sơ được quy định tại Điều 5, 7 Nghị định 38.
Đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì sản phẩm đó phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Việc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được thực hiện theo các trình tự nhiều bước[1] với hơn 10 loại giấy tờ, hồ sơ cần chuẩn bị[2].
Ngoài ra, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy định tại lại bao gồm nhiều giấy tờ[3].
Như vậy, thực phẩm lẫn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần đáp ứng nhiều các điều kiện “chông gai” khác nhau đã nêu trên trước đưa khi thực phẩm ra tới thị trường.
Đây đơn thuần là thủ tục hành chính nhưng cũng như nhiều thủ tục hành chính khác, là nguyên nhân gây mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, trực tiếp ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bao nhiêu loại sản phẩm thì phải thực hiện thủ tục cho riêng từng loại sản phẩm đó. Bên cạnh đó, việc tự đánh giá, công bố của doanh nghiệp chủ yếu mang tính chất cảm tính, chưa có cơ sở khoa học hay pháp lý vững chắc. Điều này đồng nghĩa với việc hồ sơ được chấp nhận hay không còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chuyên viên tiếp nhận và nhiều yếu tố khác.
Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không thể chỉ dựa vào cơ chế cấp giấy phép con như đã nêu. Tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, an toàn vẫn tràn lan bất chấp nhiều giấy phép con được sử dụng như một cơ chế quản lý. Việc kết hợp các biện pháp quản lý nhà nước với các chế tài xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí hình sự là điều cần được xem xét.

Mức phạt hành chính chưa đủ sức răn đe – Có nên hình sự hóa

Hiện nay, bên cạnh quản lý về mặt thủ tục hành chính thì giải pháp thực tế nhất là thực hiện thanh tra liên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cũng chính nhờ những dịp thanh tra mà nhiều sai phạm được phát hiện nhưng bất cập ở chỗ lực lượng thanh tra còn mỏng và phạm vi hoạt động không thể bao trùm hết mọi ngóc ngách của lĩnh vực an toàn thực phẩm được. Có hai luồng quan điểm trái chiều về vấn đề này như sau:
Thứ nhất, duy trì tư duy tiền kiểm – tức là doanh nghiệp vẫn phải trải qua các cửa ải giấy phép con trước khi đưa sản phẩm ra thị trường;
Thứ hai, phải chuyển dần sang tư duy hậu kiểm – tức là doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm của mình và cơ quan quản lý sẽ theo dõi, kiểm tra và xử lý khi có vi phạm.
Đối với quan điểm thứ nhất, nếu tiếp tục duy trì các loại giấy phép con và thủ tục mang tính hình thức thì điểm bất lợi là doanh nghiệp vẫn phải mất thời gian và chi phí không đáng có trong khi mục tiêu sâu xa là đảm bảo sự an toàn cho người dân vẫn không đạt được. Như đã phân tích ở trên, thế nào là “phù hợp với quy định an toàn thực phẩm” còn mang nặng tính chủ quan trong quá trình cấp phép nên cái chuẩn “phù hợp” của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác có thể không tương xứng với nhau dù sản phẩm tương tự nhau. Và sau khi được cấp giấy phép rồi thì cơ chế nào đảm bảo doanh nghiệp sẽ duy trì cái chuẩn “phù hợp” đó trong suốt quá trình kinh doanh của mình.
Trong khi đó, với quan điểm thứ hai thì các loại giấy phép con sẽ được bãi bỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh và tập trung vào khâu hậu kiểm. Doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm trước pháp luật còn cơ quan quản lý sẽ theo dõi, giám sát, kiểm tra và xử lý nếu có hành vi vi phạm. Đây cũng là giải pháp phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Mấu chốt để doanh nghiệp không dám hoặc nếu có muốn vi phạm cũng phải dè chừng, đó chính là chế tài xử phạt. Quy định tại nhiều nước phát triển rất chặt chẽ và cụ thể, thậm chí có thể hình sự hóa những tội liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này đã tác động mạnh đến nhận thức kinh doanh của giới doanh nghiệp. Tuy vấn đề hình sự hóa các tội danh liên quan đến thực phẩm tại Việt Nam cũng nhiều lần được đề ra nhưng có lẽ chưa thể thành hiện thực. Trong khi đó, vi phạm an toàn thực phẩm tại nước ta chỉ mới dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ một số trường hợp được tính dựa trên giá trị thực phẩm vi phạm[4]. Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật chưa thực sự nghiêm túc dẫn đến chưa đủ sức răn đe những chủ thể làm ăn không chân chính.

Kết luận

Nhiều năm áp dụng các loại giấy phép con trong lĩnh vực này đã bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không được cải thiện. Tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng vẫn không được đảm bảo. Theo số liệu gần đây nhất của WHO, Việt Nam đứng thứ 78/172 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ mắc ung thư với tỷ lệ 140/100.000 dân. Ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có tối thiểu 190.000 ca mắc ung thư mới mỗi năm. Rất nhiều trường hợp ung thư là do sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn, vệ sinh trong thời gian dài. Nếu việc tăng cường quản lý bằng giấy phép con chưa mang lại hiệu quả rõ rệt nhưng lại gây tốn kém và lãng phí thì nên loại bỏ giấy phép con nói chung và trong vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng.
Như vậy, việc loại bỏ một số giấy phép con bất hợp lý và kém hiệu quả về mặt quản lý đồng thời nên có cơ chế hợp lý hơn để tạo ra môi trường thông thoáng cho các chủ thể kinh doanh thực phẩm là điều rất cần thiết. Trong bối cảnh cao trào của cuộc chiến chống lại giấy phép con trên khắp các lĩnh vực, có lẽ đã đến lúc ngành thực phẩm cũng cần tìm hướng đi mới cho mình, cho doanh nghiệp và cho cả người tiêu dùng.
———————————————
Bài viết của Investpush Legal chỉ mang tính chất tham khảo, chia sẻ thông tin và kiến thức. Mọi ý kiến thắc mắc hoặc nhu cầu tư vấn pháp luật, xin vui lòng liên hệ email contact@investpush.com để được giải đáp.
Dịch vụ pháp lý của Investpush Legal:

Trân trọng./
Investpush Legal
———————————————
[1] Điều 5 Thông tư 19/2012/TT-BYT
[2] Điều 6 và Điều 7 của Nghị định số 38
[3] Thông tư 47/2014/TT-BYT
[4] Điều 4 Nghị định 178/2013/NĐ-CP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *