Từ lâu nhiều người dân Việt Nam đã luôn mơ ước về việc mua được một chiếc xe ô tô với giá cả phải chăng. Vốn dĩ từ trước tới nay giá ô tô ở nước ta tương đối cao vì phải gánh nhiều loại thuế, phí cũng như các chi phí mà doanh nghiệp lắp ráp, nhập khẩu ô tô phải đầu tư để vượt qua hàng rào điều kiện kinh doanh mà rốt cuộc cũng được cộng vào giá bán cho người tiêu dùng. Cũng vì ước mơ đó mà thông tin thuế nhập khẩu ô tô từ thị trường ASEAN sẽ về mức 0% vào năm 2018 theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN đã gieo một niềm hy vọng cho tương lai thị trường tiêu thụ ô tô tại Việt Nam. Nhưng tình hình vốn dĩ không khả quan đến thế khi nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô quy mô vừa và nhỏ đã liên tục lên tiếng từ đầu năm nay về nhiều điều kiện kinh doanh nghiêm ngặt cũng như đứng trước những đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ… Viễn cảnh ô tô giá rẻ cho người Việt càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Nghị định này có hiệu lực thi hành ngay lập tức và thời hạn cho các doanh nghiệp điều chỉnh theo các điều kiện kinh doanh mới chỉ còn vỏn vẹn hơn 2 tháng.
Ô tô giá rẻ nào cho người Việt? Doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh xe ô tô có nguy cơ đóng cửa? Hợp lý hay không khi Chính phủ ngày càng thắt chặt thị trường ô tô?

Thuế 0% không đồng nghĩa giá xe giảm
Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN thì thuế nhập khẩu ô tô về mức 0% vào năm tới nhưng điều này cũng chẳng có gì đáng mừng. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi theo Luật Thuế tiêu thu đặc biệt được sửa đổi bô sung năm 2016 không giảm nhiều, thậm chí tăng khoảng 5% với dòng xe có dung tích xi lanh lớn. Chưa kể Bộ Công thương còn có đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe bán tải, áp dụng tương tự như xe con. Ngoài ra, các quy định về điều kiện kinh doanh tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP sẽ làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và khoản chi phí đó trước sau gì cũng sẽ do khách hàng gánh chịu. Bên cạnh đó, để một chiếc xe lăn bánh, còn nhiều khoản chi phí mà người sở hữu phải lo: phí BOT, phí vào nội đô thành phố (đang được nghiên cứu áp dụng), lệ phí trước bạ, chi phí kho bãi, vận chuyển, phí cấp biển số, phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm…
Siết chặt điều kiện nhập khẩu xe ô tô – Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa
Thị trường ô tô đang chứng kiến cuộc chiến giữa các hãng phân phối chính hãng và không chính hãng. Các quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP đang làm khó các doanh nghiệp nhập khẩu xe quy mô vừa và nhỏ vì nhiều quy định khó:
Điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô:
Sau khi có Giấy Chứng nhận thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô. Để được cấp loại giấy này, doanh nghiệp phải đáp ứng 2 điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định này, cụ thể như sau:
“1. Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này.
2. Có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam”.
Đối với những đại lý phân phối chính hãng thì hai điều kiện này không có gì là khó nhưng với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn thường nhập khẩu xe ô tô không phải từ doanh nghiệp chính hãng tại nước ngoài nên văn bản ủy quyền triệu hồi xe gần như là bất khả thi.

Những hãng xe lớn với nguồn vốn đầu tư lớn luôn có hệ thống cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng nhưng ở thái cực ngược lại của cuộc chơi, các doanh nghiệp nhỏ lại khó có đủ nguồn vốn để lập cơ sở bảo hành, bảo dưỡng cho riêng mình hoặc ký được hợp đồng với cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng. Bài toán càng trở nên hóc búa hơn với quy định tại khoản 7 Điều 21 Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Theo đó, cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô nhập khẩu phải được doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài “cam kết hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô”. Liệu các hãng xe tại nước ngoài có dễ dàng chấp nhận hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh, phụ kiện cho đơn vị nào khác ngoài hệ thống đại lý chính hãng của mình? Câu trả lời chắc chắn là không.
Trách nhiệm bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
Một trong những thủ tục gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu vừa và nhỏ là quy định về bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 116/2017/NĐ-CP thì đối với ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu cần đảm bảo cung cấp đủ các giấy tờ sau:
- Bản sao Giấy Chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài;
- Bản chính Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng ô tô;
- Tài liệu kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.
Ngoài ra, ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu “phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định đối với từng lô xe nhập khẩu”. Quy định này sẽ khiến cho doanh nghiệp mất nhiều chi phí hơn và mất thời gian lâu hơn để một lô xe được bán ra thị trường.
Với ô tô đã qua sử dụng được nhập khẩu thì “phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe theo quy định” và cung cấp “Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực đến trước khi xuất khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương”. Tương tự như trên, việc kiểm định từng chiếc xe sẽ tương đối gây mất thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có những quốc gia mà cơ quan có thẩm quyền sẽ không cấp các loại giấy chứng nhận cho xe ô tô xuất khẩu đi quốc gia khác.
Thời gian đếm ngược
Nghị định 116/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngay lập tức khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trở tay không kịp và chỉ còn hơn hai tháng cho các doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh và thích nghi với các quy định mới. Theo khoản 2 Điều 31 nghị định này thì: “Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu ô tô sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô”. Tức là không tính các doanh nghiệp mới tham gia và được cấp giấy phép nếu đủ điều kiện thì các doanh nghiệp hiện đang hoạt động phải hoàn tất thủ tục này trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, nếu không thì không thể nhập khẩu ô tô và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ… đóng cửa.
Liệu có dấu hiệu của độc quyền và hạn chế cạnh tranh?
Trước Nghị định 116/2017/NĐ-CP thì Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống cũng đã gây khó khăn cho doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ hoạt động nhập khẩu ô tô. Ngày 17/08/2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có kiến nghị gửi Bộ Công thương đề nghị bãi bỏ Thông tư 20/2011/TT-BCT nhưng đế nay vẫn chưa có phản hồi. Vì vậy, sự ra đời và có hiệu lực ngay lập tức của Nghị định 116/2017/NĐ-CP, một bước tiến hóa của Thông tư 20 có thể coi là một cú sốc lớn với ngành ô tô Việt Nam. Tinh thần xây dựng pháp luật này đặt ra câu hỏi về sự độc quyền, về sự “phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp”, một trong những hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước theo Điều 6 Luật Cạnh tranh 2004. Khi những doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi vì những tiêu chuẩn quá sức thì thị phần ô tô tại Việt Nam chỉ còn lại những doanh nghiệp tên tuổi. Quan điểm của VCCI còn chỉ ra một bất cập nữa là tác dụng ngược đối với ô tô sản xuất trong nước. Đề nghị của VCCI nêu rõ: “Do các nhà sản xuất xe ô tô trong nước chủ yếu là liên doanh với các hãng ô tô lớn của nước ngoài nên các liên doanh này sẽ luôn là đơn vị được ủy quyền. Khi đó, do lợi nhuận từ việc nhập khẩu xe ô tô tăng cao nên có thể sẽ tạo động lực khiến các liên doanh tập trung vào nhập khẩu thay vì nỗ lực sản xuất và nội địa hóa”.
Tuy nhiên, không phải không có lý do cho những điều kiện kinh doanh ngặt nghèo như vậy. Các doanh nghiệp nhỏ khó đảm bảo được điều kiện bảo quản tiêu chuẩn cho xe ô tô nhập khẩu, nhiều xe nhập nguyên chiếc phải nằm la liệt giữa bãi cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tình trạng và chất lượng xe. Ngoài ra, việc không đảm bảo được bảo hành, bảo dưỡng chính hãng thì khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi nếu xảy ra sự cố, nhất là dòng xe đã qua sử dụng. Ngoài ra, giả sử một dòng xe nào đó có lỗi kỹ thuật thì việc triệu hồi xe không chính hãng là không hề đơn giản.
Những tác động tới ngành công nghiệp ô tô
Nghị định 116/2017/NĐ-CP có thể sẽ vẽ lại bức tranh toàn cảnh ngành ô tô nước ta, trong đó những doanh nghiệp yếu thế hơn sẽ phải ra đi, những ai muốn trụ lại thì phải cố gắng nâng cao chất lượng, người tiêu dùng sẽ bị thu hẹp lựa chọn hơn nhưng sẽ là những lựa chọn tốt một cách tương đối, một vài nhóm doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn và tất nhiên, giá xe sẽ không giảm.

Quả thật không dễ dàng với những người làm chính sách vì không thể cân bằng quyền lợi của quá nhiều bên và ai đó sẽ phải hy sinh. Nhưng dù sao, với tình hình giao thông hiện nay thì có lẽ, giá xe cao sẽ giúp hạn chế phương tiện cá nhân, một giải pháp tạm thời cùng với nhiều giải pháp tạm thời khác cho đến ngày chúng ta cùng tìm được câu trả lời thỏa đáng cho cả ngành công nghiệp ô tô non trẻ, bài toán phát triển cơ sở hạ tầng và ước mơ ô tô của nhiều người dân Việt.
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và chia sẻ thông tin, không thể hiện quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ bất kỳ tổ chức và cá nhân nào. Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật, xin vui lòng liên hệ email contact@investpush.com để được tư vấn miễn phí và tận tâm.
Dịch vụ của Investpush Legal:
- Tư vấn pháp luật đầu tư, doanh nghiệp, M&A, thương mại
- Tư vấn pháp luật lao động, thuế, bảo hiểm xã hội, kế toán
- Tư vấn hình sự, hôn nhân gia đình, dân sự, hành chính
- Dịch vụ pháp lý và dịch thuật chuyên nghiệp
Trân trọng./
Investpush Legal