Báo điện tử VNExpress có đăng bài viết về một vụ tai nạn xảy ra thu hút nhiều bạn đọc quan tâm. Đây là một tình huống xảy ra khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày nhưng không nhiều bạn để ý đến. Chỉ khi người xung quanh hay chính bản thân bạn gặp phải thì vấn đề này mới trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Hãy cùng Investpush Legal tìm hiểu và đưa ra giải pháp thông qua tình huống dưới đây.
“Vừa rồi khi tôi lái xe qua gần hết ngã tư, thì bất ngờ có một xe gắn máy vượt đèn đỏ băng ngang trước đầu xe. Va chạm xảy ra làm xe máy bị nát hết đuôi xe nhưng người điều khiển không bị thương nghiêm trọng, vẫn tự đứng dậy và nói chuyện trong trạng thái có hơi men. Ban đầu, anh ta nhận sai và muốn tự giải quyết “ai đi đường nấy” dù giá trị hư hỏng của xe ô tô lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, đám đông bu lại kêu anh ta yêu cầu bồi thường, lại còn cho rằng tôi luôn sai, kiểu gì xe lớn cũng sai. Tôi đã chờ CSGT đến chứ không có ý định giải thích với đám đông. CSGT đến và cho chúng tôi hòa giải, không thì sẽ lập biên bản, đo vẽ và kéo xe về bãi. Anh ta đòi 1,5 triệu. Tôi nói mình không sai nên không chấp nhận đền nhưng CSGT khuyên nên cho họ tiền rồi đường ai nấy đi, họ cũng không hỏi giấy tờ hay quan tâm tới việc người đàn ông kia trong người đang có hơi men hay không. Cuối cùng anh ta chịu nhận một nửa số tiền so với lúc đầu. CSGT cũng lấy của tôi chừng 100 ngàn tiền gọi là “Phí xăng dầu, đậu xe giải tỏa”.[1]
Theo Luật Giao thông đường bộ, xe ô tô và xe máy được xếp vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và được liệt kê vào đối tượng nguồn nguy hiểm cao độ[2]. Trong tình huống này, người điều khiển xe máy đã có hơi men trong người (có thể vượt mức nồng độ cồn cho phép) lại có hành vi điều khiển xe máy vượt đèn đỏ ở ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP những người vượt đèn đỏ là người vi phạm Luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt hành chính. Theo quy định pháp luật người điều khiển các phương tiện giao thông nếu gây tai nạn giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng cho mình và cho người khác, khi xác minh được lỗi thuộc về họ thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.[3] Do đó, khi va chạm xảy ra giữa xe ô tô và xe máy thì người điều khiển xe máy phải bồi thường thiệt do lỗi của mình gây ra. Tuy nhiên, đa số mọi người đều có quan điểm cho rằng chủ xe ô tô phải bồi thường do xe lớn lúc nào cũng luôn có lỗi sai. Vậy phần lớn quan điểm này xuất phát do đâu?
Khi có tai nạn giao thông xảy ra, mọi người thường có tâm lý tò mò, quan tâm đến người liên quan đặc biệt là các nạn nhân trong vụ tai nạn. Sẽ có các nhân chứng tường thuật lại sự việc, kết hợp với lời khai của người trong cuộc và chứng cứ tai hiện trường, từ đó xác định lỗi và trách nhiệm bồi thường của các bên. Tuy nhiên với tâm lý muốn giúp đỡ những người khó khăn, yếu thế và mặc định cho rằng người điều khiển xe ô tô sẽ ít gặp nguy hiểm hơn, là những người “lắm tiền, nhiều của” không cần phải lo lắng về việc bồi thường nên đám đông có xu hướng nghiêng về bất lợi của người điều khiển xe máy. Suy nghĩ này làm giảm sự khách quan trong việc nhận định tính chất vụ việc, cùng với tư duy quá nặng về tình, xem nhẹ về lý đã dẫn đến nghịch lý xe lớn phải bồi thường cho xe nhỏ khi có va chạm dù không phải lỗi của người điều khiển xe ô tô.
CHỨNG MINH THIỆT HẠI LÀ CON ĐƯỜNG GIAN NAN
Pháp luật đã có quy định về việc xác định lỗi và bồi thường thiệt hại nhưng còn quá rườm rà, mang nặng tính thủ tục và phụ thuộc lớn vào người thi hành pháp luật. Bên bị thiệt hại phải chứng minh được thiệt hại bao gồm thiệt hại thực tế, lỗi của người gây thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra,… Việc chứng minh này khá khó khăn, gặp nhiều trở ngại khách quan và tốn nhiều thời gian, kết quả mang lại đôi khi lại không như mong đợi của bên bị thiệt hại. Bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông lại là một thỏa thuận dân sự, hai bên tự thỏa thuận đền bù miễn là thỏa thuận ấy không bi phạm pháp luật[4]. Các bên thường có xu hướng giải quyết theo lệ cho xong việc rồi từ đó “đường ai nấy đi”. Cuối cùng là người thi hành pháp luật trong một số trường hợp cũng mang tính hưởng ứng theo số đông mặc dù không có quy định pháp luật nào bắt buộc họ phải áp dụng biện pháp giải quyết “xe lớn phải bồi thường xe nhỏ” cả.
Vì vậy, khi gặp tình huống tương tự như trên, hãy nhớ những nguyên tắc xử lý sau đây để tự đưa mình vượt khỏi sự bao vây của tư duy “lớn đền bé” của số đông:
- Trao đổi ngắn gọn về vấn đề lỗi với bên còn lại và tìm cách giải quyết ổn thỏa khi xảy ra tai nạn
- Yêu cầu sự can thiệp của cơ quan chức năng nếu hai bên không thể tự thỏa thuận giải quyết
- Nếu sự giải quyết của người có thẩm quyền không thỏa đáng và vẫn áp dụng theo lối tư duy “lớn đền bé” thì hãy yêu cầu lập biên bản và đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc
- Gặp luật sư để được tư vấn giúp đỡ và đảm bảo quyền lợi chính đáng của bạn
Nhà nước pháp quyền luôn đề cao việc thượng tôn pháp luật. Quy định của pháp luật không tạo ra sự bất công. Đừng lo lắng về tư duy “lớn đền bé” của số đông. Hãy xử lý tình huống như những gì Investpush Legal đã hướng dẫn hoặc vui lòng liên hệ trực tiếp qua email contact@investpush.com để được các luật sư của Investpush Legal tư vấn thêm.
Trân trọng./.
[1] https://vnexpress.net/tin-tuc/oto-xe-may/tai-nan-o-viet-nam-xe-lon-cu-phai-den-xe-nho-2210878.html
[2] Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 và Khoản 1 Điều 601 BLDS 2015
[3] Điều 584 BLDS 2015
[4] Điều 585 BLDS 2015